Báo cáo viên- cầu nối giữa Đảng và dân

Cập nhật, 14:40, Thứ Năm, 19/06/2014 (GMT+7)


Cuộc họp giao ban Ban Tuyên giáo các tỉnh- thành phía Nam với Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều qua 18/6.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo thực hiện công tác tư tưởng, trong đó hoạt động của đội ngũ báo cáo viên được coi là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
 
Và thực tế, thời gian qua chính lực lượng báo cáo viên đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với dân, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống.

Làm báo cáo viên: Chuyện không dễ!

Báo cáo viên là “báo cáo” cho người khác nghe, nhưng vấn đề làm thế nào để người ta nghe mình nói quả là điều không dễ chút nào. Đồng chí Trần Văn Phần- Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vũng Liêm chia sẻ: Công việc nào cũng vậy, cũng có những thuận lợi, cũng như những khó khăn nhất định. Công việc của một báo cáo viên cũng vậy, cũng có những khó khăn riêng.
 
Nó đòi hỏi người báo cáo không chỉ ở kỹ năng mà cả về trình độ! Đồng chí Đỗ Thanh Hồng- Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Long Hồ cũng chân tình: Khó nhất của một báo cáo viên là ở nội dung thông tin, phải định hướng tư tưởng. Trên cơ sở những tài liệu của một báo cáo viên, mình nói sâu hơn, chi tiết hơn.
 
Người báo cáo viên còn phải có chút năng khiếu về ăn nói cũng như chất giọng, tạo sự thu hút, hấp dẫn người nghe!

Từng có thâm niên với công việc của một báo cáo viên, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Điều quan trọng cần có của một báo cáo viên là trình độ và vốn sống để vừa nắm bắt nhanh chủ trương, đường lối của Đảng, nhưng cũng vừa biết vận dụng liên hệ với thực tế, mang tính thuyết phục cao, tránh nói chung chung ưu điểm không rõ ràng, còn khuyết thì cũng không cụ thể.

Khi báo cáo cần xác định đối tượng để thể hiện nội dung hình thức cho phù hợp. Một điều ông rất tâm đắc đối với công việc của báo cáo viên đó là lắng nghe hai chiều. Báo cáo xong cần dành ít thời gian để nghe phản hồi cái gì được, cái gì chưa rút kinh nghiệm, với tinh thần cầu thị.

Ông đúc kết: Báo cáo có lý luận nhưng cũng phải gắn được với thực tiễn. Chứ nói lốp bốp kiểu “trả bài” thì chán lắm, người nghe tiếp thu cũng không được bao nhiêu!

Cầu nối giữa Đảng và dân

Kể từ khi có Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, đội ngũ báo cáo viên từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được quan tâm, kiện toàn và không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, xứng đáng là lực lượng tin cậy, nòng cốt và chủ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng.

Họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng với dân trong việc định hướng thông tin, định hướng tư tưởng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về các sự kiện chính trị trọng đại trong nước và trên thế giới, từ đó chủ động giải thích cho người nghe nhận thức đúng hơn, sâu hơn, tạo dựng được niềm tin và hành động tích cực đối với người nghe.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cả nước đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Các sự kiện, vấn đề thời sự quan trọng trong nước cũng như quốc tế được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, góp phần vào việc ổn định tình hình tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Cùng với các tỉnh, thành cả nước, lực lượng báo cáo viên của Vĩnh Long không ngừng được củng cố, kiện toàn đã đi vào nề nếp, tích cực hoạt động với chất lượng ngày càng được nâng lên rõ nét, đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao.

Hiện toàn tỉnh có gần 1.300 báo cáo viên, trong đó, báo cáo viên cấp tỉnh là 50; báo cáo viên cấp huyện và tương đương: 298; báo cáo viên cấp xã và tương đương: 943.
 
Trong năm 2013, báo cáo viên cấp tỉnh và huyện tổ chức trên 3.300 cuộc báo cáo cho trên 300.000 lượt người nghe. Hoạt động của lực lượng báo cáo viên của xã, phường, thị trấn, chi đảng bộ cơ sở được lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt lệ chi, đảng bộ, chi, tổ hội. Trong năm qua, đã tuyên truyền được 8.240 cuộc, cho 279.621 lượt người.

Lực lượng báo cáo viên có hoạt động với các mức độ khác nhau. Trong đó, có trên 60% hoạt động tốt, 20% hoạt động khá, trên 15% hoạt động trung bình và dưới 5% hoạt động yếu. Đa số báo cáo viên cấp huyện- thị- thành và tương đương đã được tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng, chỉ còn một số ít mới được công nhận chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Những báo cáo viên đồng thời là bí thư cấp ủy đã thực hiện tốt chức năng của báo cáo viên và vai trò của bí thư cấp ủy trong việc triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết theo quy định của Đảng. Có khoảng 70% báo cáo viên cấp huyện- thị- thành và tương đương hoạt động khá, tốt.

Quá trình hoạt động, lực lượng báo cáo viên các cấp trong tỉnh đã thực hiện thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời các vấn đề được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật phát ngôn; giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà nước.
 
Bên cạnh đó, tại các buổi tuyên truyền miệng, đã có sự tăng cường đối thoại với người nghe. Một số báo cáo viên, chủ yếu là cấp tỉnh và huyện sử dụng thành thạo giáo án điện tử, đưa nhiều hình ảnh minh họa phong phú, làm tăng thêm sự hấp dẫn cho nội dung báo cáo.

Có thể nói, bằng chính hoạt động của mình, đội ngũ báo cáo viên đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân thi đua lao động, sản xuất, công tác, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài, ảnh: DUY UYÊN- QUANG CHIẾN