Công tác phát triển đảng viên- những vấn đề đặt ra

Cập nhật, 06:22, Thứ Năm, 17/04/2014 (GMT+7)

Tạo nguồn phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảng viên, góp phần làm cho Đảng ta càng vững mạnh. Đối với Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, 2 vấn đề cần quan tâm giải quyết rốt ráo là công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở ấp- khóm và làm sao “giữ chân” đảng viên sau khi xuất ngũ.

K 1: Cạn “nguồn” ở ấp- khóm


Qua phong trào Đoàn, nhiều đoàn viên ưu tú được phát hiện xem xét, bồi dưỡng phát triển Đảng.

Năm 2013, toàn tỉnh kết nạp 2.174 đảng viên. Phấn khởi vì số lượng này vượt kế hoạch đề ra trên 20%, cũng là năm phát triển đảng viên cao nhất từ trước đến nay.
 
Tuy nhiên, đáng nói là trong số đảng viên kết nạp, lực lượng ở ấp- khóm chỉ phát triển 456 đảng viên. Nếu so với số lượng 847 ấp- khóm trong toàn tỉnh, con số này còn rất khiêm tốn.

Có ấp- khóm phát triển được 1 đảng viên; có ấp- khóm phát triển nhiều thì chỉ 2 đảng viên và còn gần 300 ấp- khóm không phát triển được đảng viên nào. Theo đồng chí Lê Văn Ửng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đây là vấn đề rất đáng quan tâm…

Trẻ trẻ... đi hết

Nói chuyện tạo nguồn phát triển Đảng ở địa phương, đồng chí Lê Văn Ngầu- Bí thư Chi bộ Khóm 2, thị trấn Long Hồ lắc đầu: “Khó quá! Không phải mình không quyết tâm mà ngược lại còn quyết liệt nữa là đằng khác nhưng lại... không có người. Có năm chi bộ không phát triển được đảng viên nào”.

Đồng chí Nguyễn Văn Tám- Bí thư Đảng ủy xã Thuận An cũng thừa nhận: Công tác tạo nguồn ở các ngành đoàn thể ở ấp, khóm, chủ yếu là đoàn thanh niên, còn nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ… thì rất khó.
 
Chỉ tiêu phát triển đảng viên hàng năm đều đạt nhưng chủ yếu là bên Đoàn thanh niên “bù” qua, chứ tính chung đoàn thể thì không được như vậy. Có ấp địa bàn nhỏ thì 2 năm mới kết nạp được 1 đảng viên.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trà Ôn Bùi Văn Táng cũng cùng chung tâm trạng: “Người có ruộng có đất mới “trụ” ở nhà, còn trẻ trẻ, nhà khó khó là… đi hết. Nói thiệt bây giờ có đám tiệc kiếm người phụ dọn cũng kiếm không ra!”

Những cái lắc đầu “khó quá, khó lắm” của lãnh đạo địa phương dường như quen thuộc khi chúng tôi nhắc đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở ấp- khóm.
 
Một ấp có hàng trăm hộ, mỗi năm chỉ tiêu đưa ra tối đa 1 đảng viên mà cũng không đạt. Nếu không đi thực tế, chúng tôi chẳng thể nào hiểu được “cái khổ của ấp- khóm chúng tôi” là “rất quyết liệt nhưng nguồn không biết kiếm đâu ra, tìm cả đến ông sản xuất giỏi để xem xét mà cũng… không có”.
 
Một đồng chí cán bộ tổ chức của một huyện không giấu nỗi niềm: “Khổ quá, chỉ tiêu đưa ra biết làm sao. Nhiều khi “hốt sổm”, thấy sạch sạch, suôn suôn là bồi dưỡng”.


Đảng viên luôn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào và các cuộc vận động ở cơ sở.

Người “ở lại” không phát triển được

Thực tế cho thấy, tìm lực lượng trẻ trẻ tạo nguồn ở ấp- khóm rất khó, vì cuộc sống nên tất cả đều đi làm ăn xa. Những người ở lại bám trụ địa phương đa phần lại rơi vào… lớn tuổi, không thì cũng vướng trình độ học vấn.

Một đồng chí bí thư ấp tiếc nuối: “Địa phương tui có ông “được” hết sức. Làm việc thì nhiệt tình, năng nổ, lý lịch cũng “ngon cơm”. Chỉ vướng cái học vấn là chưa tốt nghiệp cấp 2. Quy định chung rồi, biết
làm sao…”

Đồng chí Nguyễn Quốc Thái- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tam Bình không giấu nỗi niềm: “Ở địa phương cũng không ít trường hợp như vậy, quần chúng rất năng nổ, công tác tốt không chê vào đâu được. Học cũng đến lớp 9 nhưng lại… không có bằng nên đành chịu!”

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Bình Minh Phạm Minh Hoàng, đây cũng là khó khăn chung của Bình Minh hiện nay.

Để giải quyết khó khăn này, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phát triển Đảng trong lực lượng đoàn viên thanh niên là bao nhiêu, dự bị động viên bao nhiêu, các tổ chức xã hội khác là bao nhiêu. Hàng năm, nếu tính chung thì kế hoạch phát triển đảng viên đạt, còn phân ra theo từng nguồn thì… thua.

Phần lớn chi hội ấp- khóm “người còn ở lại thì đều vướng trình độ”. “Mấy năm trước đây địa phương mở các lớp phổ cập nhưng khi mở ra thì… không ai học. Muốn gỡ khó nhưng không gỡ được. Một ấp chỉ tiêu nhiều khi chỉ có một mà cũng tìm không ra”- đồng chí Hoàng bộc bạch.

Đem nội dung này trao đổi cùng đồng chí Đỗ Thành Cao- Trưởng Phòng Cơ sở Đảng- Đảng viên thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng chí thừa nhận vấn đề này đúng là khó khăn chung của các địa phương hiện nay!

 

Tìm lực lượng trẻ ở ấp- khóm tạo nguồn rất khó, vì cuộc sống nên tất cả đều đi làm ăn xa. Những người ở lại bám trụ địa phương đa phần lại rơi vào… lớn tuổi, không thì cũng vướng trình độ học vấn.

Kỳ 2: “Chưa “giữ chân” đảng viên khi xuất ngũ”

 

Bài, ảnh: DUY UYÊN- THANH TÂM