Học theo Bác về khơi sức dân, chuyện chưa bao giờ cũ

Cập nhật, 15:00, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)

“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, câu nói ấy của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhiều đơn vị, cá nhân đã vận dụng một cách linh hoạt vào công tác, đời sống.

Chuyện khơi sức dân để cùng chung tay xây dựng quê hương mà chúng tôi đã góp nhặt qua trò chuyện từ nhiều cán bộ ở cơ sở, người dân đã khẳng định- nó không bao giờ cũ.  

Kỳ 1: Mỗi đảng viên là một tấm gương

Anh Châu Văn Hùng bên vườn bưởi da xanh vừa cho trái lứa đầu tiên.
Anh Châu Văn Hùng bên vườn bưởi da xanh vừa cho trái lứa đầu tiên.

Ấp Cái Sơn (Mỹ Lộc- Tam Bình) đang thay đổi từng ngày. Những con đường lầy lội, những cây cầu khỉ đong đưa giờ chỉ còn là quá khứ, thay vào đó là những con đường láng nhựa, rãi đá cấp phối trải dài, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, đời sống của người dân đang ngày càng khởi sắc…

Có được kết quả trên do chi bộ ấp đã vận dụng việc học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực.

Phát huy dân chủ

Bên ly trà nghi ngút khói, Bí thư chi bộ ấp Cái Sơn- Châu Văn Hùng vốn gốc  nông dân kể lại chuyện vận động dân tham gia vào các phong trào của địa phương. Anh kể, đã tham gia sinh hoạt ấp nhiều năm, năm 2012 anh được người dân tin tưởng bầu làm trưởng ấp và kiêm luôn bí thư chi bộ.

Thời điểm đó, huyện Tam Bình chọn xã Mỹ Lộc làm điểm để xây dựng nông thôn mới, lúc bấy giờ anh rất tâm tư, làm sao để giúp địa phương phát triển. Bởi, hồi đó trên địa bàn đường đất lầy lội, nhiều cầu khỉ, vườn tạp rất nhiều, người dân chủ yếu trồng lúa “nghèo thì không nghèo mà khá cũng không khá mấy”.

Việc đầu tiên anh đề xuất với chi bộ trên cương vị mới là làm đường giao thông của ấp, vì theo anh khi mở đường, chuyện đi lại của người dân, chuyện học hành của con cháu, việc giao thương sẽ thuận lợi hơn… cũng sẽ góp phần cho phát triển. 

Nói là làm, sau khi có sự thống nhất của chi bộ, đối với những con đường đất vừa là đê bao kết hợp làm đường giao thông, anh tổ chức họp dân xin ý kiến. Khi nghe thông tin này, đa số người dân đều đồng tình và chấp nhận đóng góp để làm đường. Tuy vậy, cũng vẫn còn một số hộ kỳ kèo, thế là phải đi vận động.

Kinh nghiệm của bản thân anh cho biết, không nhất thiết chuyện gì cũng thành lập đoàn đi vận động, đôi khi không hiệu quả mấy.

“Ở đây, chi bộ giao hết cho tất cả đảng viên và các đoàn thể, gặp đâu vận động đó, lúc đi ruộng, trong đám giỗ hay tới nhà uống trà nói chuyện. Nếu trường hợp nào khó quá thì mời thêm mấy chú, mấy bác có uy tín ở địa phương nói thêm vô, vậy mà êm”- anh Hùng kể.

“Ở vùng này, có cái khó là một số tuyến đường chỉ có vài hộ sinh sống trong khi toàn tuyến dài từ 500m đến trên 1.000m nên việc kêu gọi người dân đóng góp rất khó”- anh Hùng cho biết. Trong cái khó có cái may, cũng trong thời điểm đó, anh biết một số địa phương khác có tổ chức bán đồng (sau khi thu hoạch lúa xong) cho vịt tàu ăn.

Mừng như bắt được vàng, thế là xin ý kiến chi bộ thống nhất chủ trương, tổ chức họp dân và được dân đồng tình rất cao. Xã có trên 200 ha đất lúa, tiền bán đồng năm đó được trên 35 triệu đồng. Có số tiền này cùng với kinh phí của hỗ trợ của huyện, xã, ấp tiếp tục vận động dân đóng góp thêm theo đầu công để rãi đá các tuyến đường.

“Bản thân tôi trong quá trình làm tuyến đường liên xã đã hiến trên 1.000 m2 đất, đảng viên của chi bộ cũng thống nhất với nhau sẵn sàng hiến đất khi có nhu cầu, mình phải gương mẫu thì người dân mới theo chứ”- anh Hùng cho biết. Tính đến nay, 4 tuyến đường liên xóm của ấp đã được rãi đá giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện cả 2 mùa.

Anh Hùng kể, nhờ có tiền bán đồng nên người dân nhẹ bớt đóng góp, nhiều tuyến đường chỉ có vài hộ ở trước kia khó vận động nay cũng đã làm xong như tuyến cầu số 3- kênh Chín Chòi dài 1.200m chỉ có 7 hộ gốc của ấp, tuyến đường đá tổ 11 dài 550m nhưng chỉ có 4 hộ ở…

Là đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu

Năm 2016, hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chi bộ ấp Cái Sơn tiếp tục hăng hái phát động trong đảng viên và nhân dân tham gia. Một trong những nội dung mà chi bộ ấp đăng ký là hưởng ứng phong trào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Anh Hùng cho biết, qua phát động có 4 đảng viên đăng ký, bản thân anh đăng ký mô hình cải tạo đất kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh và cam sành; đồng chí phó bí thư đăng ký cải tạo đất kém hiệu quả sang trồng ổi; đồng chí chi hội trưởng phụ nữ đăng ký mô hình trồng nấm bào ngư và vận động phụ nữ trồng lục bình để đan thảm; công an viên phụ trách ấp đăng ký bảo vệ trật tự và làm mô hình vườn ao chuồng. 

 Mô hình trồng lục bình để đan thảm đang mở ra hướng giải quyết việc làm có hiệu quả ở địa phương này.
Mô hình trồng lục bình để đan thảm đang mở ra hướng giải quyết việc làm có hiệu quả ở địa phương này.

Cả 4 mô hình trên qua thực hiện đều đạt hiệu quả, và điều quan trọng là đã lôi kéo được nhiều người dân làm theo.

Hôm chúng tôi xuống, anh đang chăm chút cho vườn bưởi da xanh đang độ thu hoạch. Vườn bưởi này được anh cải tạo từ vườn tạp kể từ khi phát động phong trào tái cơ cấu nông nghiệp theo sự chỉ đạo chung của xã. Cạnh đó, những liếp cam vừa được hình thành trên miếng ruộng 3.000m2 đang độ lớn, lá xanh mơn mởn.

“Mình phải tiên phong làm trước thì người dân mới tin, đi vận động người ta mà vườn của mình còn chèm nhèm thì nói ai nghe”- anh Hùng bộc bạch. Điều đáng mừng là hiện nay phong trào chuyển đổi và cải tạo vườn tạp đã dần hình thành.

Anh kể, điển hình như hộ anh Phan Văn Là đã cải tạo 3.000m2,  anh Nguyễn Thanh Tùng (3.000m2 trồng cam), anh Châu Văn Sáu (2.000m2 trồng cam), anh Phan Văn Tâm (3.000m2 trồng bưởi da xanh)…

Ngoài ra, ở những vùng đất gò cao ngoài trồng lúa người dân đã xuống giống các loại dưa leo, bí, khổ qua… lợi nhuận gấp mấy lần trồng lúa.

Đến thăm mô hình của chị Nguyễn Hạnh Minh- Chi hội trưởng phụ nữ ấp mới biết, từ một phong trào tưởng chỉ giải quyết công việc lúc nông nhàn- mô hình trồng lục bình để đan thảm, ấy vậy mà trở thành nghề thu nhập chính của nhiều người.

Vừa tới nhà chị, chúng tôi thấy một sân chứa cọng lục bình khô cao ngất được bao gói cẩn thận, thậm chí, chị còn làm thêm một mái che kiên cố chòm ra sân để che mưa nắng vì trong nhà không còn đủ chổ để chứa.

Chị nói, ở đây hầu như nhà nào cũng vậy, dưới mé sông thì nuôi lục bình, mỗi hộ đều cắm ranh phân định rõ ràng, mốc giới của ai thì người đó thu hoạch.

Nghề đan lon, thảm ở ấp Cái Sơn giúp nhiều hộ từ khó khăn vươn lên khá giả.
Nghề đan lon, thảm ở ấp Cái Sơn giúp nhiều hộ từ khó khăn vươn lên khá giả.

Chuyện đan thảm bằng lục bình nếu như trước kia là công việc của đàn bà thì nay nhiều anh cũng bắt tay vào.

Chị Minh kể, hồi trước mới bắt đầu làm, anh Ba Nghệ (Đào Văn Nghệ- nguyên Bí thư chi bộ ấp) càm ràm với vợ: “làm chỉ được cái xả rác chứ được bao nhiêu tiền”. Bây giờ anh ngồi đan ngon ơ, lại khoe “Chị Ba mày giờ chịu tao lắm, tao rút dây tròn o, bả khoái quá chừng”.

Ngay cả ông xã chị Minh hồi trước cứ cằn nhằn còn bây giờ rãnh là phụ giúp. Hai mẹ con chị mỗi tuần đan 150 cái lon, mỗi lon 8.000 đồng, lục bình sẵn có, mỗi tuần chị thu nhập thêm 1,2 triệu đồng. Ở trong ấp này, việc trồng lục bình và đan thảm đã giúp nhiều hộ khó khăn có cuộc sống ổn định hơn.

Như trường hợp hộ anh Phan Văn Rước, hồi trước cũng nói lên nói xuống khi vợ bày biện, bây giờ mỗi sáng vợ chưa dậy anh đã lấy lon ra đan- chị Minh kể. Hay trường hợp vợ chồng anh Lê Văn Bình, chỉ có mỗi nền nhà, làm thuê rất bấp bênh, qua vận động 2 vợ chồng học nghề bây giờ coi như nghề chính.

Mỗi ngày anh chị đan được tầm 30 lon, được 240.000 đồng. Anh Bình cho biết, nhờ hội vận động và dạy nghề nên cuộc sống gia đình bây giờ đã khấm khá hơn rất nhiều. “Hiện ấp có khoảng 50% hộ với gần 150 người tham gia mô hình này, nhiều người đã có cuộc sống ổn định”- chị Minh cho biết.

Thấm nhuần câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chi bộ ấp Cái Sơn đã vận động tất cả đảng viên đăng ký học theo Bác bằng những việc làm thiết thực, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.

Anh Hùng cho rằng, học theo Bác là học cả đời, vì thế những việc nào có lợi cho dân thì cố gắng làm, một mặt để giúp nhau nâng cao đời sống, mặt khác cố gắng xây dựng địa phương mình ngày càng giàu đẹp.

 

Ấp Cái Sơn có 147 hộ, tính đến nay 100% hộ có điện sử dụng; 136/147 hộ sử dụng nước máy; 115 hộ có nhà kiên cố, 31 hộ có nhà đảm bảo 3 cứng. Ấp giữ vững danh hiệp ấp văn hóa 5 năm liền kể từ năm 2012, trong 2 năm 2105- 2016 chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu; được tỉnh tuyên dương tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016.

Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG