Những bông hoa trong vườn Bác

Kỳ 3: Dốc tâm cho sự nghiệp “trồng người”

Cập nhật, 18:33, Thứ Bảy, 17/05/2014 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Ấp An Hội 3 khéo dân vận 

>> Kỳ 2: Dù hoàn cảnh nào vẫn công tác tốt

Nhớ mãi lời Bác dạy: Mình không “chính” mà muốn người khác “chính” là vô lý! Việc học đức tính này ở Bác đã giúp cô Lê Thị Mười- giáo viên (GV) môn Ngữ văn Trường THPT Trà Ôn ứng dụng hiệu quả vào việc chăm bồi, giáo dục học sinh.


Cô Mười (giữa) được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Giáo dục học sinh cá biệt

Minh họa cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác của mình, cô Mười đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thực tế mà ngay trong quá trình đứng lớp cô đã gặp và giải quyết. Với cô chỉ là “chuyện nhỏ thôi”, nhưng qua đó cũng giúp chúng tôi thấy cô đã học và vận dụng những bài học về tấm gương Bác như thế nào trong thực tiễn.

Năm học 2010- 2011, khi ấy cô là GV chủ nhiệm lớp 12C5. Trong lớp có em P.T. thường xuyên vi phạm đồng phục- mặc đồ thể dục chứ nhất định không mặc đồng phục áo dài như bao nữ sinh khác- dù ngày hôm đó không có tiết thể dục.
 
P.T. đưa ra đủ các lý do: khi thì áo dài phơi chưa khô, khi thì xem nhầm thời khóa biểu, lúc thì đi học nửa đường bị té ướt… “Vì là GV chủ nhiệm, gần gũi với học trò nên tôi hiểu được số lần P.T. nói dối nhiều hơn số lần nói thật”- cô Mười kể.

Thế là trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô đã nghiêm túc chia sẻ với cả lớp: “Cô biết các em, nhất là P.T., rất thích mặc đồ ngắn bởi nó rất thoải mái và cô cũng thế. Nhưng các em phải nhớ đây là nội quy của nhà trường!”

Rồi cô kể chuyện chấp hành nội quy bằng chính câu chuyện thực tế của mình:

“Trong tuần, cô có 2 ngày không có tiết đứng lớp đó là thứ năm và thứ bảy. Đặc biệt là ngày thứ bảy, cô rất muốn mặc đồ ngắn cho thoải mái nhưng nhà trường đã quy định GV nữ khi đứng lớp phải mặc áo dài. Không có chuyện ta thích mặc gì mặc nấy. Có như vậy, ta mới xây dựng được một tập thể. Cô không làm khó các em, nhà trường cũng không làm khó các em, mà đó là nội quy…”

Từ đó về sau, học trò P.T. của cô không còn tùy tiện vi phạm đồng phục nữa. Cũng bài học ở Bác về chữ “chính” ấy, còn giúp cô ứng dụng thành công trong việc giáo dục học sinh cá biệt suốt 2 năm 2012- 2013.

Cô Mười nhớ lại, khi nhận chủ nhiệm lớp 12C1- đây là lớp yếu, được lọc ra từ các lớp cơ bản. Thế là, cô dành thời gian tìm hiểu về từng học trò của mình và dù biết rõ V.L. là học sinh cá biệt (ở lại lớp và hạnh kiểm trung bình), nhưng cô đã có quyết định “táo bạo”, đó là đề cử V.L. làm lớp trưởng.

Bởi, cô nghĩ: với vai trò là lớp trưởng, em ấy phải “chính” thì mới có thể quản lý được cả một tập thể mà phần đông là “không chính” ấy.

Với sự quan tâm, dìu dắt của cô, “V.L. đã dần thay đổi và trở thành lớp trưởng mẫu mực, rất dễ thương!”- cô kể về học trò của mình với ánh mắt sáng ngời, hạnh phúc. Tuy là lớp yếu, nhưng đến cuối năm vẫn đảm bảo sĩ số và đạt kết quả là lớp xuất sắc, đỗ tốt nghiệp 100%.

Bản thân cũng phải học

Từ việc học ở Bác đã giúp cô vượt qua khó khăn trong việc giáo dục học sinh. Bản thân cô cũng luôn rèn luyện và tu dưỡng đạo đức.

Bởi, “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”.

Hiểu được và nhìn nhận vào những khuyết điểm của bản thân, cô đăng ký học theo Bác từng đức tính để ngày càng... hoàn thiện hơn và đã “không còn nóng nảy, vội vàng, hời hợt... như lúc mới vào nghề nữa”- cô bộc bạch.

Học Bác là học suốt đời! Bản thân cô luôn tâm niệm thế! Và luôn phấn đấu để xứng đáng với sự nghiệp “trồng người” mà Bác đã căn dặn.

Còn nhớ, kỳ thi GV giỏi năm 2013. Sau 2 vòng thi kiểm tra năng lực và sáng kiến kinh nghiệm, đến 2 tiết dạy thực hành, cô chọn tác phẩm Chí Phèo của tác giả Nam Cao. Bài đó 3 tiết, cô chọn tiết thứ nhất. Vì tiết đó rất dễ dạy... “Nói điều này tôi thật sự có chút xấu hổ vì đã ngại khó khi đứng trước việc nhỏ như vậy”- cô Mười tâm sự.

Sau đó, đồng chí tổ trưởng có tư vấn: “Chị dạy tiết đó có gì đâu mà nói, tiết đó không hay, chị chọn tiết sau đi!” Về nhà cô nhớ đến chữ “cần” mà Bác đã dạy và quyết định chọn tiết thứ hai. “Đây là tiết khó dạy nhất”- cô nói.

Thế là, cô phải cố gắng thật nhiều, thật nhiều… Và kết quả đã được đền đáp xứng đáng, tiết dạy đó của cô được giám khảo đánh giá cao, với 19,5/20 điểm. Không những vậy, giám khảo còn nhận xét “bài giảng và bình rất sâu, rất hay...” Kỳ thi đó, cô vinh dự được Sở GD-ĐT tỉnh tặng thưởng- vì là thí sinh có số điểm cao nhất trong bộ môn.

Từ những bài học quý báu của Bác, trong những năm qua, cô Lê Thị Mười luôn nhận được sự yêu thương quý mến của học trò, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh và sự tín nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường. Đối với người giáo viên có niềm vui nào hơn thế?

Cô Lê Thị Mười: Để giáo dục học sinh hiệu quả, yếu tố cần có của một giáo viên chủ nhiệm là phải có cái tâm, lòng nhiệt tình, niềm tin và chữ tín đối với học sinh.

Chính “bí quyết” này các lớp do cô phụ trách giảng dạy luôn đạt và vượt chỉ tiêu với tỷ lệ tốt nghiệp môn Văn 2 năm liên tiếp thuộc “tốp” 3 của tỉnh.

Chính những câu chuyện rất “thực” trên giảng đường, cô liên tục đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, giáo dục học sinh cá biệt, cách tiếp xúc và tư vấn học sinh hiệu quả... được Sở GD-ĐT tỉnh và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

(Còn tiếp)

NHÓM PHÓNG VIÊN