Nhanh chóng ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế

Cập nhật, 14:13, Thứ Năm, 21/10/2021 (GMT+7)

 

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.

(VLO) Ngày 21/10/2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.

Theo báo cáo của Chính phủ, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời và đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh nhiều khó khăn, có một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021: dự kiến 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán (4%), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác; công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,39% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%), dự kiến cả năm tăng khoảng 12%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Đáng lưu ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ, đây chính là những tín hiệu tích cực về sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại từng khu vực.

Đóng góp tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối và ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề; có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; bổ sung các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động…để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.

Ngoài ra, kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ cơ sở, tổ COVID cộng đồng, cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phòng chống dịch, những nhóm thiện nguyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.

Tin, ảnh: BÙI THANH