Chuyển hướng từ "zero Covid" sang thích ứng an toàn là bước ngoặt

Cập nhật, 17:00, Thứ Năm, 21/10/2021 (GMT+7)

Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần của Trung ương rất nhanh, chuyển hướng rất kịp thời. Nếu vẫn theo tư duy trước đây thì chắc chắn khó khăn hơn nhiều.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại tổ sáng 21/10 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cần cách làm cụ thể chứ không chung chung

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thì nhấn mạnh, việc thay đổi phương châm phòng, chống dịch chuyển từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội là bước ngoặt về nhận thức và sự đúc kết kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kép.

“Thời gian qua Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần của Trung ương là rất nhanh, chuyển hướng rất kịp thời. Nếu vẫn theo tư duy trước đây thì chắc chắn khó khăn hơn nhiều” – ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng việc bố trí Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội gắn với tình hình phòng, chống dịch bệnh là rất phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng thảo luận tại tổ sáng 21/10
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng thảo luận tại tổ sáng 21/10

Nhấn mạnh cần có biện pháp, cách làm cụ thể chứ không chung chung, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đặt vấn đề: Muốn phục hồi sản xuất thì cần lao động, vậy giờ đưa lao động trở lại bằng cách nào, sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp ra sao?

Nói vận tải phải thông suốt là rất đúng nhưng đầu này mở mà đầu kia đóng thì làm sao thông? Bên cạnh đó giải quyết vấn đề tâm lý của người dân sau đợt dịch cũng không hề đơn giản. Do đó cần nhìn nhận toàn diện để có giải pháp đúng và thực hiện cụ thể để thực thi mang lại hiệu quả trong thực tế.

“Dịch còn phức tạp nhưng Trung ương cũng chỉ rõ là không vì thế mà mất bình tĩnh. Quan tâm vấn đề vaccine, biện pháp 5K, sử dụng công nghệ tầm soát rồi truyền thông nâng cao ý thức người dân.

Trung ương chỉ đạo và Chính phủ thực hiện vừa qua tôi cho là tốt. Biện pháp cho vấn đề Covid-19 không chỉ cho dịch bệnh mà cho cả phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh cần tổng kết những bài học vừa qua, đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị cần phân tích cụ thể dư địa chính sách cho phát triển thời gian tới, trong đó phải giữ được những “trận địa” đang có sự thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt, tạo điểm sáng môi trường đầu tư kinh doanh nhằm lan tỏa sang địa phương khác, để “anh mạnh lo cho anh yếu chứ cả nhà 63 anh ốm cả thì ai lo cho ai”.

Khẳng định Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến người lao động và doanh nghiệp, huy động nhiều nguồn để hỗ trợ, nhưng ông Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ phải tiết giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ một cách nhanh nhất vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

“Chính sách có đến với người dân hay không, người dân có niềm tin với quyết sách hay không là ở tổ chức triển khai thực hiện. Đây vẫn là khâu yếu nên phải khắc phục bằng những giải pháp cụ thể” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Chống dịch nhưng không quên tháo gỡ vướng mắc thể chế

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ thống nhất cao và đánh giá các báo cáo của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội khách quan, đầy đủ, toàn diện, đúng bối cảnh tình hình đất nước và thẳng thắn.

“Dịch bệnh tác động khốc liệt, nhất là làn sóng thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực mọi mặt, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khoẻ, vật chất, tinh thần và tâm lý của người dân, nhất là tác động nặng nề đến kinh tế -xã hội, để lại hệ luỵ.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy đã thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ với những quyết định kịp thời, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chuyển trạng thái rất nhanh. Những kết quả đã đạt được trong điều kiện muôn vàn khó khăn như vừa qua là không phải dễ” – bà Phạm Thị Thanh Trà phân tích.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (giữa) phát biểu thảo luận tổ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (giữa) phát biểu thảo luận tổ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu điểm sáng rất rõ là sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, một số khu vực vẫn đảm bảo tăng trưởng và dự kiến tổng thu ngân sách vẫn đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước thực sự quan tâm chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, đảm bảo an dân trong điều kiện chưa có tiền lệ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, trong bối cảnh phải căng mình thực hiện nhiệm vụ kép, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung rất cao cho việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế để tạo nguồn ực, gỡ “điểm nghẽn” để phát triển. Bước đầu có kết quả tốt về phân cấp phân quyền, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tận dụng được cơ hội phát triển số.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế với những kết quả ấn tượng: Giảm 561 xã, hơn 10% biên chế công chức, hơn 11% biên chế viên chức ăn lương từ ngân sách, đẩy mạnh tự chủ khu vực công trên 12%.

Các địa phương cũng quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy và hiện giảm được 7 sở, 2.171 phòng thuộc sở và cơ quan chuyên. Chính phủ cũng đang tập trung rà soát để sắp xếp bộ máy bên trong các bộ và cơ quan ngang bộ và hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu rà soát.

“Bộ máy bên trong còn lớn, chồng chéo, trùng lắp nên có tới 39 tổng cục nhưng số tổng cục, vụ không đủ tiêu chí còn nhiều, đơn vị sự nghiệp rất lớn.

Do đó cần tập trung chỉ đạo sắp xếp để tránh chồng chéo, làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của bộ và cơ quan ngang bộ” – bà Phạm Thị Thanh Trà đồng thời cho biết tinh thần tiếp tục phân cấp phân quyền triệt để nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, sự năng động sáng tạo của địa phương./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN