Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm: Kỳ vọng đại biểu bàn sâu giải pháp phòng chống dịch, sớm khôi phục kinh tế

Cập nhật, 19:51, Thứ Năm, 21/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Đóng góp tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2021, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long- Bùi Văn Nghiêm kỳ vọng đại biểu tập trung bàn sâu các giải pháp phòng chống dịch; các giải pháp tháo gỡ nhằm đạt các chỉ tiêu về kinh tế đã đề ra trong năm 2022.

Qua báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm cho rằng, báo cáo đánh giá của Chính phủ rất toàn diện, khoa học và đầy đủ. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm, khi dịch COVID-19 xảy ra đã tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2021 là dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; ước thu ngân sách vượt chỉ tiêu dự toán đề ra; xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm giữ mức tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt khoảng 483,17 tỷ USD, tăng khoảng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm tội giảm 3,56% so với cùng kỳ.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội được tăng cường, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, cũng cố niềm tin trong nhân dân.

Bện cạnh những mặt tích cực cũng còn những khó khăn nhất định, trong đó dự kiến chúng ta không đạt chỉ tiêu GDP đề ra trong năm 2021; một số chỉ tiêu kinh tế khác dự kiến cũng không đạt. Đặc biệt, dịch COVID- 19 còn diễn biến phức nên dự báo tình hình phát triển kinh tế cũng như đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế trên, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là trong công tác phòng chống dịch để kiểm soát tốt, an toàn nhằm khôi phục phát triển kinh tế những tháng còn lại của năm 2021.

Song song đó, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là những người khó khăn và người bị ảnh hưởng của dịch COVID- 19; có kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho những lao động bị ảnh hưởng sau đợt dịch lần này.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cũng như các công trình, dự án trọng điểm nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, không để đứt gãy chuỗi sản xuất cũng như nguồn lao động hậu đại dịch.

Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp như chính sách hỗ trợ về thuế; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Về cơ chế chính sách cần sớm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đi đối với vấn đề này là có hỗ trợ nguồn lực để địa phương triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương nhằm nâng cao đời sống người dân.  

BÙI THANH (ghi)