Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

Cập nhật, 10:49, Thứ Hai, 21/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc. Người luôn xem báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ với các nhà báo, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ với các nhà báo, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời hoạt động báo chí, làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. Người xem báo chí như một công cụ sắc bén trên tất cả các chặng đường đấu tranh cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tháng 6/1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: nhiệm vụ của của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng và muốn được dân chúng ham chuộng, phải coi tờ báo đó là của mình. Bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát.

Còn nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác và trước hết phải làm gương cho người khác.

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng.”- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh điều này tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (8/9/1962).

Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” (10/1974), Người đã nhắc nhở: “… bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có được những bài viết bám sát hiện thực xã hội, vì nhân dân, người viết báo, trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp và đạt được mục đích đề ra.

Khi viết một bài báo, Người nêu lên bốn vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Trả lời đúng và đủ những câu hỏi đó, người viết báo đã thể hiện rõ nhân cách, đạo đức báo chí của mình.

Một bài báo tốt của một nhà báo chân chính, phải mang lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thật làm nên sự thuyết phục cao của bài nói, bài viết với người nghe, người đọc, cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, làm nên “thương hiệu” của nhà báo và tờ báo.

Nhà báo phải biết lựa chọn những nội dung gì nên viết, nội dung gì không nên viết. Ngôn từ phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu; phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh dùng chữ nước ngoài.

Bằng tấm gương đạo đức cách mạng cao cả, nhân cách trong sáng và văn phong báo chí độc đáo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi nguồn cho nhiều thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam về cách viết, cách nói.

Những quan điểm về nhân cách người làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho người làm báo hôm nay.

Làm tốt điều này, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, mà còn mang lại những “món ăn tinh thần” bổ ích, tiếp tục làm tốt sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và thực sự là diễn đàn của nhân dân.

NGUYỄN MINH THUẬN