Cần có chính sách cho lao động sau khi về nước

Cập nhật, 13:10, Thứ Bảy, 24/10/2020 (GMT+7)

 

Chiều 23/10/2020, trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đóng góp nhiều vấn đề vào dự thảo luật.

Cho phép chi nhánh công ty thu khoản phí dịch vụ

Theo đó, tại điều 17 quy định về việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ. Ở khoản 2 điểm b có quy định chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ không được thu tiền dịch vụ của người lao động.

Quy định như thế này thì sẽ rất khó khăn cho hoạt động của chi nhánh và của cả công ty mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ giống như công ty mẹ là phải tìm kiếm khách hàng nước ngoài, tuyển nguồn, đào tạo, thực hiện các điều kiện cần thiết để người đứng đầu chi nhánh hoạt động.

Chi nhánh cũng có đội ngũ nhân viên, có trụ sở và các điều kiện về cơ sở vật chất cho đội ngũ hoạt động. Tất cả các hoạt động này phải có một nguồn tài chính cần thiết thì mới có thể hoạt động được.

Theo quy định của luật hiện hành thì chi nhánh được quyền thu nguồn phí này theo ủy quyền của công ty mẹ nhưng trong dự thảo luật lần này thì không cho phép.

Để tạo điều kiện cho các chi nhánh tuyên truyền làm tốt việc chuẩn bị nguồn, đào tạo nghề cho lao động đưa được người lao động đi làm việc nước ngoài một cách hiệu quả nhất.

Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu vấn đề này giữ nguyên theo luật hiện hành là cho phép chi nhánh công ty thu khoản phí dịch vụ này với điều kiện được sự ủy quyền của công ty mẹ trong giấy ủy quyền phải ghi rõ mức phí được thu là bao nhiêu, phương thức thu như thế nào, chi nhánh không được thu vượt quá số tiền đã ghi trong giấy ủy quyền. Các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu phí dịch vụ của các chi nhánh trên cơ sở giấy ủy quyền của công ty mẹ.

Cân nhắc quy định quy định mới về tuyển nguồn lao động

Tại điều 19 và 20 quy định về chuẩn bị nguồn lao động và thông báo chuẩn bị nguồn lao động. Theo quy định này thì công ty đưa người đi lao động phải yêu cầu khách hàng nước ngoài gởi thư đề nghị hoặc kế hoạch tiếp nhận lao động hàng năm và đồng thời công ty phải thông báo với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và phải được bộ chấp nhận mới được tuyển nguồn.

Đây là nội dung mới so với luật hiện hành. Tôi nghĩ ban soạn thảo muốn đưa ra vấn đề này để tránh việc các công ty tuyển nguồn trong nước, tuyển với số lượng nhiều nhưng không đưa đi làm việc được hết số lượng đã tuyển, người lao động phải chờ đợi kéo dài.

Để làm tốt vấn đề này tôi đề nghị rà soát lại một số công ty nguồn, đây là những công ty không được phép đưa người lao động đi nước ngoài làm việc nhưng họ vẫn tuyển nguồn, vẫn đào tạo sau đó mới cung ứng cho các công ty có phép được đưa đi.

Việc tuyển nguồn của họ không theo kế hoạch, cạnh tranh không lành mạnh người lao động phải chịu phí cao lên.

Theo tôi, khi khách hàng nước ngoài muốn tuyển lao động Việt Nam thì họ phải ký hợp đồng cung ứng với công ty của Việt Nam trong hợp đồng thể hiện rõ số lượng lao động cần tuyển, ngành nghề, công ty tiếp nhận, các chính sách cho người lao động.

Hợp đồng này các khách hàng nước ngoài sẽ phải đăng ký với nước sở tại của họ và công ty cung ứng lao động của ta cũng phải đăng ký với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và khi đăng ký với bộ thì công ty sẽ có bản phương án thực hiện hợp đồng trong đó thể hiện rõ phương án tuyển nguồn, kế hoạch đào tạo, kế hoạch đưa đi.

Khi đầy đủ các nội dung thì Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội mới chấp thuận hợp đồng và thông báo cho công ty được phép thực hiện.

Quy trình như thế tôi cho là đã khá chặt chẽ. Nếu có thêm điều 19 và 20 về chuẩn bị nguồn thì chỉ lặp lại buộc khách hàng phải làm thêm một công đoạn không cần thiết là phải ra thư đề nghị hoặc kế hoạch tiếp nhận lao động mà những vấn đề này đã có ghi rõ trong hợp đồng cung ứng lao động.

Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, nếu không cần thiết thì đề nghị đưa 2 điều này ra khỏi dự thảo luật.

Chính sách lao động sau khi về nước còn quá mờ nhạt

Tại điều 61 và 62 về chính sách đối với người lao động sau khi về nước, theo tôi là vấn đề lớn cần phải quan tâm và có những chính sách cụ thể để sau khi lao động trở về nước thì có thể phát huy được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tay nghề trong quá trình các em lao động ở nước ngoài.

Đây có thể nói là nguồn chất xám hết sức quan trọng, rất đáng quý nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội không khai thác hết và kịp thời thì chúng ta sẽ lãng phí lớn nguồn nhân lực này.

Mục tiêu đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không phải chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt là lao động kiếm tiền mà mục tiêu lớn hơn của chúng ta là tạo điều kiện cho các em tiếp cận những tri thức mới, thay đổi nhận thức, hình thành những quan điểm mới, thay đổi cách sống rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập cách thức tổ chức lao động sản xuất của một số quốc gia tiên tiên tiến trên thế giới. Những mục tiêu này thời gian qua chúng ta đã đạt được, nhiều người đã khởi nghiệp thành công trở thành chủ một số doanh nghiệp, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Thời gian tới, theo tôi chúng ta cần tập trung nhiều hơn cho mục tiêu này. Vì vậy, cần thể hiện rõ trong luật để người lao động an tâm với mục tiêu trước mắt là lao động để có thu nhập và đồng thời cũng xác định được mục tiêu lâu dài là rèn luyện tay nghề, tích luỹ kinh nghiệm.

Nhưng các quy định về chính sách đối với người lao động sau khi về nước trong dự thảo luật này thì còn quá mờ nhạt, chưa có một sự hỗ trợ nào cụ thể để các em an tâm khi trở về khởi nghiệp.

Ở khoản 2 điều 61 quy định “UBND tỉnh- thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện kinh tế- xã hội trình HĐND cùng cấp có chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương sau khi trở về nước”.

Một quy định hỗ trợ hết sức chung chung, tôi đề nghị cần cụ thể một số chính sách cứng trong luật như ưu đãi vốn, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, ưu đãi về chính sách thuế… để em nào có điều kiện thì khởi nghiệp vươn lên làm chủ chính mình chứ không thể các em sau nhiều năm đi làm thuê ở nước ngoài tích lũy được nhiều kinh nghiệm trở về nước tiếp tục đi làm mướn như quy định tại khoản 3 và 4 của điều 61 các trung tâm dịch vụ việc làm các doanh nghiệp có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho các em sau khi các em trở về nước.

BÙI THANH (ghi)