Làm báo trong kháng chiến

Cập nhật, 21:34, Thứ Ba, 28/07/2020 (GMT+7)

 

Trang bìa tờ báo Xuân Bính Ngọ 1966 của Báo Giải Phóng- tờ báo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long từ năm 1965.
Trang bìa tờ báo Xuân Bính Ngọ 1966 của Báo Giải Phóng- tờ báo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long từ năm 1965.

Báo Đảng luôn gắn liền với đảng bộ

Quyển “Lịch sử Báo chí Cách mạng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1930- 2000” do Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long xuất bản năm 2006 ở lời giới thiệu có nêu rõ:

“Các tờ báo tiền thân của Báo Đảng địa phương (báo Vĩnh Long ngày nay- PV) xuất hiện sau ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Ngã Tư Long Hồ (năm 1928) và các cơ quan thông tin khác dù dưới tên gọi nào đều đảm đương nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng; vạch trần âm mưu, tội ác kẻ thù và cổ vũ phong trào hành động cách mạng của nhân dân trong tỉnh”.

Đó là những vũ khí tuyên truyền vô cùng sắc bén của Đảng bộ tỉnh mà mỗi tên gọi của tờ báo là một mốc son không thể nào quên của những người làm báo tỉnh nhà, bởi ở đó đánh dấu cả quá trình lịch sử đấu tranh của Đảng bộ tỉnh với đầy ắp các kinh nghiệm và bài học quý báu qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp: Công Nông Binh (từ 1929), Lao Khổ (từ 1930), Chiến Thắng (từ 1946), Thông Tin Vĩnh Long (từ 1947), Thông Tin Vĩnh Trà (từ 1951) và nối tiếp đó trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược với các tên gọi: Hòa Bình Thống Nhất (từ 1954), Kèn Giải Phóng (từ 1960), Giải Phóng (từ 1965), Quyết Thắng (từ 1968) và vinh dự đổi tên thành Vĩnh Long Giải Phóng khi đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống xâm lược thắng lợi sau ngày 30/4/1975 lịch sử…

Tờ Báo Đảng: một công trình tập thể

Quá trình tồn tại và phát triển tờ báo Đảng của tỉnh luôn gắn liền với sự phát triển của Đảng bộ tỉnh nhà. Nhiệm vụ tờ báo luôn không đổi như nói ở phần trên, kể cả có lúc được coi như một tài liệu học tập cho cán bộ, nhưng người sáng tạo ra chúng với nội dung và hình thức cũng như cách tiếp cận người đọc thì luôn linh hoạt biến đổi theo tình hình thực tế của phong trào cách mạng.

Có lúc tờ báo có khổ nhỏ, chữ viết tay in bằng xu xoa (giai đoạn đầu Đảng bộ tỉnh mới thành lập) hay đánh máy trên giấy sáp in ronéo hay theo kiểu in lụa (báo Hòa Bình Thống Nhất hay những tờ báo xuất bản trong những giai đoạn địch đánh phá quá ác liệt…). Khi có điều kiện, tờ báo được in bằng chữ chì trang trọng, khổ lớn (có lúc khổ 24x32cm) và tuy không in được ảnh nhưng có in tranh khắc gỗ (báo Kèn Giải Phóng, Giải Phóng, Quyết Thắng…),

Những người làm báo trong kháng chiến đều tâm niệm tờ báo luôn là một sản phẩm của tập thể gồm những người viết lách tốt (được tổ chức phân công viết báo và các cộng tác viên của tờ báo) cùng rất nhiều người khác làm nhiệm vụ tiếp liệu (mua giấy in, mực in), người in ấn và cả lực lượng giao liên làm nhiệm vụ phát hành…

Những ngày ấy, địch luôn coi tờ báo Đảng là một vũ khí tuyên truyền của mỗi đảng bộ nên tìm mọi cách để ngăn cấm, nên dù là người dân thường mà mua giấy, mực in đều bị tù đày, nếu địch phát hiện. Vì vậy, có lúc địch đánh phá quá ác liệt, nguồn giấy mực khan hiếm, tờ báo không giữ được định kỳ, có khi buộc phải đình bản. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó được sự giúp đỡ của người dân, tình trạng này được khắc phục.

Phong trào Đồng Khởi 1960 tại tỉnh nhà là mốc đánh dấu lực lượng báo chí của tỉnh bắt đầu phát triển mạnh.

Theo sự phát triển của các phong trào cách mạng, năm 1961 Tiểu ban Thông tấn- Báo chí được thành lập với bí danh A4 trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh (Ban Tuyên giáo ngày nay) và là đơn vị vinh dự được Đảng bộ tỉnh giao cho nhiệm vụ chính trong xuất bản tờ báo của Đảng bộ và các ấn phẩm báo chí khác của tỉnh như tên gọi của mình.

Từ 4 cán bộ, phóng viên của báo Kèn Giải Phóng trước đó, Tiểu ban Thông tấn- Báo chí dần dần phát triển các bộ phận: thông tấn, báo chí, nhiếp ảnh và năm 1962 tổ chức thêm đài Minh ngữ.

Quân số chung của tiểu ban lúc đông nhất có trên dưới 20 cán bộ và phóng viên. Tiểu ban luôn được lãnh đạo Ban Tuyên huấn quan tâm, đặc biệt thường có một vị thường trực ban kiêm nhiệm làm trưởng tiểu ban bám sát chỉ đạo. Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm thông tấn, báo chí, các phóng viên luân phiên nhau đi học các khóa bồi dưỡng chuyên môn ngắn và dài hạn ở khu và Trung ương (R), một số cán bộ có khả năng viết lách được bổ sung về tiểu ban.

Giai đoạn này tòa soạn báo cũng đã tổ chức được hàng chục cộng tác viên là cán bộ ở các huyện, xã cùng với sự hỗ trợ tin, bài, tác phẩm văn nghệ khá dồi dào từ các văn nghệ sĩ của Tiểu ban Văn nghệ...

Với lực lượng như thế, tờ báo Đảng của tỉnh ra định kỳ hàng tháng và kèm theo đó là tờ Tin Tức Vĩnh Long ra định kỳ hàng tuần để đáp ứng tính thời sự của các hoạt động cách mạng (từ năm 1962, tiểu ban còn ra tờ Tin Tức Vĩnh Long bằng tiếng Khmer dịch từ tờ tin tức tiếng Việt để phát hành trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer).

Cùng với nhiệm vụ xuất bản các sản phẩm in, trong công tác thông tấn, tiểu ban cử phóng viên cốt cán bám sát Văn phòng Tỉnh ủy và các phong trào ở các địa phương để hàng ngày có tin bài đủ phục vụ trong 2 tiếng đồng hồ cho bộ phận Minh ngữ dùng máy vô tuyến tự lắp ráp chuyển thành tín hiệu morse gửi về Thông tấn xã Giải Phóng (LPF) và Thông tấn xã Tây Nam Bộ (POF) để phục vụ cho các chương trình phát thanh của Đài Phát thanh Giải Phóng và Đài Phát thanh Hà Nội, đồng thời nhận các thông tin ở chiều ngược lại.

Riêng bộ phận nhiếp ảnh của tiểu ban, tuy không thể phục vụ trực tiếp cho các sản phẩm báo chí in vì kỹ thuật in bản kẽm rất phức tạp, nhưng các ảnh của phóng viên ghi lại được từ các phong trào cách mạng được lưu kho phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài, trước mắt một số ảnh cần thiết cho yêu cầu tuyên truyền được phóng to để triển lãm cho người dân xem trong các buổi chiếu phim và các buổi lễ…

Ban Tuyên huấn hồi ấy là một ban của Đảng bộ tỉnh có rất đông cán bộ, nhân viên bố trí trong các tiểu ban và đơn vị chuyên môn: Huấn học, Tuyên truyền, Thông tấn- Báo chí, Giáo dục, Văn nghệ; Văn phòng ban, Trường Đảng, Nhà in Nguyễn Văn Thảnh, Đoàn Văn công Cửu Long, Đội Chiếu phim, Đội Tuyên truyền vũ trang…

Tuy chức năng các tiểu ban, các bộ phận, đơn vị trong ban có khác nhau, nhưng anh chị em rất đoàn kết, thương yêu nhau coi nhau như “người nhà” và luôn hết lòng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ khó khăn nào…

Chính vì vậy, tờ báo Đảng hay một ấn phẩm báo chí nào khác của tỉnh vượt qua đạn bom, khó khăn để hoàn thành và đến tay người đọc đều thể hiện rất rõ đó một sản phẩm kết tinh trí tuệ, công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong ban.

Đó là các đồng chí lãnh đạo ban trực tiếp chỉ đạo, là các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, họa sĩ vẽ tranh, khắc gỗ, nhân viên tiếp liệu (có cả người dân là cơ sở của cách mạng), công nhân nhà in và kể cả các chiến sĩ giao liên cõng báo về các địa phương, đơn vị…

Vượt qua các hy sinh, mất mát của các đồng đội và các gian khó trong khi làm nhiệm vụ, là nhà báo ai mà không vui khi cầm trên tay tờ báo, tờ tin- những đứa con tinh thần của mình- được nên vóc nên hình để phục vụ kháng chiến trong những hoàn cảnh khó khăn như thế.

Còn nhớ, năm 1973 để khắc phục số chữ chì của nhà in đã quá mòn qua nhiều năm sử dụng, dù còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã chủ trương tập trung kinh phí cấp cho Ban Tuyên huấn 5 triệu đồng (tương đương khoảng 830 lượng vàng) để mua 2 tấn chữ chì về thay thế.

Tiền mua đã khó, nhưng làm thế nào vượt qua tai mắt địch vận chuyển hàng tấn hàng “quốc cấm” đó về khu căn cứ an toàn là một bài toán rất khó. Bằng nhiều cách sáng tạo và sự giúp đỡ hết lòng của quần chúng cách mạng, tập thể Ban Tuyên huấn đã thực hiện công việc ấy rất hoàn hảo.

Cũng khó mà quên được cái không khí khẩn trương của những lần chuẩn bị ra các tờ báo đặc biệt mừng Xuân hàng năm, như các bước bung lực lượng ra làm tờ báo mừng Xuân Bính Ngọ 1966 ở Tòa soạn Báo Giải Phóng (tên của tờ báo Đảng bộ Vĩnh Long lúc đó), nhất là cái không khí rộn ràng xếp chữ chì in báo của anh chị em công nhân Nhà in Nguyễn Văn Thảnh đóng trong vườn nhà bà Út Huỳnh bên bờ kinh Xã Liễu (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Thuận, nay là xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân).

Tờ báo này hoàn thành rất đẹp gồm 12 trang khổ 24x32cm in chữ chì 2 màu, nội dung rất phong phú và có cả tranh vẽ, đặc biệt có thư chúc tết của Bác Hồ- món quà của Bác mà người đọc rất trông ngóng khi Xuân về…

Đó còn là cái không khí vô cùng phấn khởi đón Tết Mậu Thân 1968, tòa soạn báo phải phối hợp với nhà in xuất bản báo xuân đến 2 lần với nội dung khác nhau, bởi tờ báo xuân in lần thứ hai mới phản ánh đúng khí thế tiến công và nổi dậy của Đảng- Quân- Dân Vĩnh Long khi tiến vào TX Vĩnh Long…

Báo chí Cách mạng tỉnh Vĩnh Long có một lịch sử phát triển rất phong phú, trở thành một bộ phận không thể tách rời của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, quá trình đó gắn liền với sự lớn lên của Ban Tuyên huấn, của Đảng bộ Vĩnh Long và phong trào cách mạng cả tỉnh.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, các bộ phận của Tiểu ban Thông tấn- Báo chí được tách ra thành Báo Vĩnh Long Giải Phóng trực thuộc sự lãnh đạo quản lý của Tỉnh ủy, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tỉnh Vĩnh Long thuộc Thông tấn xã Việt Nam, các bộ phận còn lại về Sở Thông tin và Bưu điện tỉnh.

Mỗi đơn vị mới có chức năng nhiệm vụ riêng nhưng đều có chung lịch sử truyền thống của Ban Tuyên huấn trong những ngày gian khó và ác liệt của 2 cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

HỒNG VÂN