Đổi mới phương thức lãnh đạo- nhiệm vụ trọng tâm của Đảng hiện nay

Cập nhật, 06:08, Thứ Hai, 03/02/2020 (GMT+7)

Trong điều kiện Đảng cầm quyền như ở Việt Nam ta, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh tạo lòng tin cho nhân dân là yêu cầu cấp bách trong thực tiễn hiện nay.

Nhận thức được vấn đề này, tại Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết đã chỉ ra khá cụ thể những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua. Những hạn chế, khuyết điểm đó đã làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh; làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần lập lại kỷ cương, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn các hành vi tiêu cực; nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, bước đầu kiềm chế được tình trạng tham nhũng lãng phí; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh đại bộ phận đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây là tiền đề để đổi mới công tác xây dựng Đảng, đáp ứng được yêu cầu của một Đảng cầm quyền.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Đại hội lần XII của Đảng xác định “Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong toàn khóa.

Khẳng định phải xây dựng Đảng mạnh về chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện thực tiễn Việt Nam; khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Xã hội mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Vì vậy, kiên định con đường đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là một yêu cầu tất yếu khách quan. Muốn thế, phải nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng; đổi mới việc hoạch định đường lối, chính sách, tạo bước đột phá để phát triển; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng.

Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận cũng là một yêu cầu cần thiết. Làm rõ cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn hoàn thiện các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cụ thể là làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị.

Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải kết hợp chặt chẽ và đi song hành cùng nhau, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới về chính trị; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng đồng thời kiên quyết chống lại những hành động dân chủ cực đoan, quá khích, mọi âm mưu lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm gây rối chính trị, chống phá chế độ, can thiệp vào nội bộ của Đảng ta.

Tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa xã hội. Kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội.

Nền văn hóa mới tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Không chờ kinh tế phát triển cao rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước và suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Chúng ta phải xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Làm rõ về đấu tranh giai cấp và việc đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Cuộc đấu tranh giai cấp của ta hiện nay đi theo một con đường mới là thực hiện đoàn kết dân tộc, không phân biệt lương, giáo; xóa bỏ mọi định kiến, phân biệt thành phần xuất thân; cuộc đấu tranh giai cấp của ta là để đi đến mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Qua tổng kết thực tiễn tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Đảng đã đề ra những quy định cụ thể cho đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Đây là cách nhìn mới, cách giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đổi mới, hết sức sáng tạo của Đảng ta, không chỉ đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của một bộ phận đảng viên mà còn góp phần thúc đẩy giải phóng sức sản xuất.

Đây là những luận cứ khoa học góp phần cho việc hoạch định đường lối chủ trương của Đảng, góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch. Tạo điều kiện cho Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống mới trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam.

Việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng được xem là công việc quan trọng, thường xuyên của Đảng, lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh làm mục đích cần hướng đến.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao với ý thức gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Củng cố, kiện toàn bộ máy của Đảng từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành; nâng cao chất lượng đội ngũ; xác định mối quan hệ giữa tập thể cá nhân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Đảng phải nhất thiết lãnh đạo cho được công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm” gây mất đoàn kết trong Đảng.

Phát huy tối đa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng xem đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Xử lý nghiêm, công khai những trường hợp vi phạm tránh bao che, dung túng. Bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ kiểm tra. Kiện toàn bộ máy của ủy ban kiểm tra các cấp.

Hoàn thiện cơ chế, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Lấy công tác kiểm tra, giám sát làm phương tiện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Phải khẳng định cho được sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử.

Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền của đất nước, người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của chúng ta là ở chỗ Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; đoàn kết mọi người, mọi thành phần trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay đang định cư ở nước ngoài.

Cán bộ đảng viên phải tin dân, trọng dân, gần dân, dựa vào dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Tạo điều kiện cho người dân làm chủ, có cơ chế và cách làm cụ thể để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng cần phải đổi mới cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Khẳng định việc lãnh đạo toàn diện của Đảng theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách không bao biện, làm thay.

Vận động và yêu cầu đảng viên của mình phải nêu gương, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, tạo được lòng tin trong nhân dân. Đây là điều kiện để nhân dân tin Đảng, theo Đảng, sẵn sàng hy sinh vì Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh xứng đáng với vai trò của một đảng cầm quyền.

LƯU THÀNH CÔNG