Kỷ niệm 107 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912- 11/6/2019)

"Ấn tượng về anh Phạm Hùng"

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

Đại tá Thái Doãn Mẫn- nguyên Ủy viên Ban An ninh miền Nam- trải lòng: Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, làm người chiến sĩ rồi cán bộ lãnh đạo ngành công an, tôi nghe nhiều người kể về anh Phạm Hùng và may mắn được tiếp xúc, làm việc với anh trong kháng chiến cũng như sau ngày thống nhất đất nước. 

Đồng chí Phạm Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ- bỏ phiếu bầu cử Quốc hội chung cả nước vào ngày 25/4/1976.
Đồng chí Phạm Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ- bỏ phiếu bầu cử Quốc hội chung cả nước vào ngày 25/4/1976.

Trong ký ức tôi, anh Phạm Hùng là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và của ngành công an.

Anh Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, là người con của quê hương giàu truyền thống cách mạng ở ấp Long Thuận, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Anh tham gia cách mạng ở tuổi 16 và 2 năm sau anh đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Anh giữ nhiều chức vụ trong Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), bị thực dân Pháp bắt xử 2 án tử hình. Trong những ngày tháng ở tù, anh Phạm Hùng luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, tiếp tục đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến.

Trước áp lực đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ quốc tế, thực dân Pháp đã hủy án tử hình, giảm xuống án chung thân khổ sai đày anh ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, anh Phạm Hùng từ Côn Đảo về Đại Ngãi (Sóc Trăng) tiếp tục hoạt động và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ.

Lúc bấy giờ, tôi làm Chánh Văn phòng Ty Công an Long Xuyên. Qua các anh em tù chính trị ở Côn Đảo về, tôi được biết anh Vũ Hồng, là một người tù hình sự cũng từ Côn Đảo về.

Theo anh Vũ Hồng (ở tù anh giỏi tiếng Pháp được làm thư ký Memanto- bộ phận quản lý tù ở Côn Đảo, sau này anh công tác trong ngành công an), khi ở tù Côn Đảo, anh Phạm Hùng là người tù có chí khí cách mạng rất kiên trung, anh thường lấy thân mình đỡ đòn cho anh em khi bị bọn cai ngục đánh đập lúc đi lao động về.

Anh Vũ Hồng là tù hình sự tiến bộ được chúng cho tự do đi lại quản lý những tù nhân lao động quanh trại. Chính anh Phạm Hùng đã gặp gỡ tâm tư, giác ngộ tư tưởng yêu nước cho Vũ Hồng.

Thấy Vũ Hồng đồng tình, anh Phạm Hùng đề nghị Vũ Hồng thuyết phục bọn cai ngục bớt đánh đập tù nhân, đối xử có nhân quyền một chút. Anh Phạm Hùng còn vận động Vũ Hồng thuyết phục bọn cai ngục cho đồng chí Tôn Đức Thắng ra làm ở Sở Lưới.

Sau đó đồng chí Tôn Đức Thắng được ra làm ở Sở Lưới nên có phần tự do hơn. Làm ở Sở Lưới nên đồng chí Tôn Đức Thắng hay có cá đưa Vũ Hồng bí mật giúp anh em tù nhân. Bọn cai tù rất tín nhiệm Vũ Hồng nên Vũ Hồng thuyết phục chúng nghe và giảm bớt việc đánh đập tù nhân, đối xử có phần dễ chịu hơn.

Cũng theo lời anh Vũ Hồng thì trong thời gian ở tù Côn Đảo, anh Phạm Hùng là người chịu đựng gian khổ, rất khôn khéo và phản biện rất thuyết phục nên anh em rất tin, còn bọn cai ngục thì cũng nể mặt.

Sự thông minh, tài trí, khéo léo và bản lĩnh của anh Phạm Hùng đã giúp anh em tù nhân đối phó có hiệu quả với bọn cai ngục, giúp anh em dễ thở hơn.

Ngay sau khi về Đại Ngãi, anh Phạm Hùng tiếp tục hoạt động kháng chiến. Khi thành lập Xứ ủy Nam Bộ, anh là thành viên Ban lãnh đạo Xứ ủy, rồi Bí thư Xứ ủy, kiêm Giám đốc Sở Công an Nam Bộ.

Với tư cách là Chánh Văn phòng Ty Công an Long Xuyên, sau này là Phó ty, rồi Trưởng Ty Công an Long Xuyên, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, làm việc với anh Phạm Hùng. Tuy lúc bấy giờ anh Phạm Hùng mới khoảng 36- 37 tuổi nhưng đã chứng tỏ là một người lãnh đạo rất tinh anh, lỗi lạc, rất có uy tín.

Anh nắm rất chắc chủ trương, chính sách của Đảng về công tác đấu tranh đánh địch, chỉ đạo khắc phục kịp thời những sai lầm, thiếu sót của cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, chính sách mà việc giải quyết êm thấm tình hình các vụ lộn xộn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Anh chỉ đạo giải quyết sáng suốt mọi vướng mắc, sai lầm, thiếu sót trong việc giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ. Anh là con người rất cương trực, sống rất chân tình với anh em.

Tôi rất ngưỡng mộ anh Phạm Hùng bởi tài thao lược, sáng suốt của anh trong chỉ đạo công việc, xử lý tình huống khó khăn. Sau khi anh chỉ đạo vấn đề gì, anh em đều thấy sáng ra và tổ chức thực hiện rất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Anh là thần tượng không chỉ trong lực lượng công an mà cả các ban ngành, đoàn thể lúc bấy giờ.

Rồi một năm sau ngày miền Nam giải phóng, tình hình chính trị và trật tự trị an ở TP Hồ Chí Minh còn rất rối ren, phức tạp, lực lượng an ninh, cảnh sát rất vất vả trong việc giải quyết.

Trong bối cảnh ấy, tại thành phố đã liên tiếp xảy ra 3 vụ giết người đốt xác phi tang vào đầu năm 1976. Anh Phạm Hùng vào chỉ đạo thành phố giải quyết nhiều việc, biết tin về vụ án, anh hỏi Ban Giám đốc Công an thành phố (lúc đó anh Mai Chí Thọ làm giám đốc, tôi làm phó giám đốc) sao để xảy ra chuyện động trời như vậy mà không giải quyết triệt để, phải điều tra cho bằng được để trấn an lòng dân.

Sau đó chúng tôi đã tổ chức nhiều biện pháp điều tra và đã bắt được hung thủ. Hung thủ khai từ trước giải phóng đến khi bị bắt, hắn đã thực hiện 9 vụ dụ dỗ hoặc bắt cóc các cô gái đẹp đưa về nhà hãm hiếp, giết chết và cướp tài sản rồi đốt xác phi tang.

Anh Phạm Hùng đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc và điều tôi cảm phục nhất ở anh là khả năng nhận định thời cuộc rất tài tình, hiểu sâu sát tình hình, chỉ đạo giải quyết rất cương quyết và sáng tạo, đem lại hiệu quả cao.

Có thể nói anh là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người lãnh đạo xuất sắc của ngành công an trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng chí Phạm Hùng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giặc Mỹ xâm lược. Sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí tiếp tục giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, năm 1982 đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII (năm 1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Phạm Hùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huy chương Vì sự nghiệp liên minh chiến đấu. Nhà nước Cộng hòa Cu Ba tặng Huân chương E. Chê Ghêvara hạng Nhất. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Nhà nước Cộng hòa nhân dân Bungari tặng Huân chương G. Đimitơrốp.

THANH NGHỊ

(Theo lời kể của Đại tá THÁI DOÃN MẪN- nguyên Ủy viên Ban An ninh Miền Nam, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh)