HĐND cấp xã phải làm tròn vai trò làm chủ đại diện mà nhân dân đã ủy quyền

Cập nhật, 20:01, Thứ Hai, 10/06/2019 (GMT+7)

Thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Tất Thắng- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải đảm bảo tạo ra hiệu lực thực tế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, giải quyết hài hòa giữa số lượng, chất lượng của đại biểu HĐND, nhất là cấp xã.

Tôi đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mặc dù hai luật này thực hiện được hơn 3 năm nhưng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tế, tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu, quan điểm, cách thức sửa đổi.

Đóng góp cho việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, về quan điểm, tôi cho rằng luật sửa đổi phải đảm bảo 2 yêu cầu: Thứ nhất, phải tạo ra hiệu lực thực tế, cần có các mô hình yêu cầu, tổ chức phù hợp với loại hình, địa bàn, yêu cầu quản lý của tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, giải quyết hài hòa giữa số lượng và chất lượng của đại biểu HĐND.

Từ góc độ tổ chức bộ máy, nhìn lại thời kỳ đầu lập nước để bàn câu chuyện hôm nay. Còn nhớ, 2 tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 63, văn bản pháp lý đầu tiên về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Sau 75 năm, tôi thấy chúng ta cần nghiên cứu để học tập lại quan điểm còn nguyên giá trị của sắc lệnh này.

Tôi xin bàn 3 vấn đề, một là, khi đất nước còn khó khăn nhiều mặt, thông tin liên lạc, giao thông, điều kiện đi lại làm việc mà Pháp lệnh đã quy định HĐND cấp tỉnh họp 1 năm 3 kỳ, HĐND cấp xã họp mỗi tháng 1 kỳ thường lệ.

Quy định hiện nay HĐND cấp xã họp mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ 1 ngày nên hình thức quan trọng nhất của HĐND là kỳ họp lại quá mờ nhạt, ít thời gian và không kịp thời giải quyết những vẫn đề của địa phương.

Trong khi đó, cấp xã là cấp phải giải quyết trực tiếp những công việc liên quan đến người dân diễn ra thường xuyên, hằng ngày nên làm vai trò của HĐND trở nên hình thức.

Tôi đề nghị nghiên cứu tăng số lượng kỳ họp HĐND cấp xã lên, trước mắt quy định thường kỳ họp ít nhất 2 lần một năm tùy theo yêu cầu công việc mà HĐND quyết định số lần và số ngày họp. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND cấp xã, vì luật hiện hành không quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội là chưa phù hợp.

HĐND là cơ quan dân cử, là đại diện cho vai trò làm chủ của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nên không thông qua kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, về lý luận là không thực hiện quyền lực, vai trò làm chủ đại diện mà nhân dân đã ủy quyền.

Qua thực tế và ý kiến từ nhiều địa phương, UBND cấp xã vẫn phải đề ra kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm trên địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên và nghị quyết của đảng ủy cùng cấp.

Vì vậy, UBND cấp xã vẫn cần xây dựng trình HĐND cấp xã thông qua để trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cấp xã trước khi triển khai thực hiện.

Nếu HĐND cấp xã họp thường xuyên thì vừa tăng cường hiệu lực hiệu quả vai trò hoạt động của HĐND, vừa không nhất thiết phải có cơ quan thường trực.

Thứ hai, về số lượng cơ cấu của UBND cấp xã, Sắc lệnh số 63 quy định ở cấp xã Ủy ban hành chính có 5 người gồm chủ tịch, phó chủ tịch và 3 ủy viên để phụ trách 5 lĩnh vực hành chính tư pháp, xã hội, y tế, kinh tế tài chính, kinh tế giao thông địa bạ, giáo dục tuyên truyền khánh tiết và trị an và quân vụ.

Đến nay, xã hội phát triển, quy mô dân số tăng, số lượng công việc nhiều lên nhưng số lượng thành viên UBND lại giảm đi, thường chỉ có chủ tịch, với xã loại 2, loại 3 chỉ có 1 phó chủ tịch và 2 ủy viên.

Trong thực tế, 2 ủy viên này là trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự, 2 chức danh này ít tham gia vào giải quyết công việc hành chính thường xuyên của UBND.

Thực tế, nhiều việc người dân tới UBND xã nhưng không được giải quyết ngay như công chứng, chứng thực, khai tử mà phải đến buổi sáng đưa giấy, quay lại vào buổi chiều để nhận, sẽ tạo ra những ví dụ như hành trình gian nan làm giấy khai tử ở 1 phường năm 2017 đã thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí mà 1 nguyên nhân cũng là do số lượng ủy viên ủy ban quá ít.

Tôi cho rằng, cần thiết tăng 1 ủy viên UBND để làm nhiệm vụ thường trực thay mặt ủy ban ký các giấy tờ hành chính hợp lý nhất.

Trong giai đoạn hiện nay, hợp lý nhất bố trí cán bộ tư pháp xã làm ủy viên UBND. Như vậy, không tăng biên chế lại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Chính Phủ kiến tạo là hướng tới phục vụ người dân từ những việc nhỏ nhất, nhưng đem lại hiệu quả lớn cho công tác quản lý xã hội.

Thứ ba, với việc giảm 1 phó chủ tịch HĐND ở cấp huyện, tôi nghĩ có thể thực hiện được, tuy nhiên, số lượng có thể giảm nhưng phải tăng về chất lượng.

Thường trực HĐND gồm chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng ban. Hiện nay, quy định trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách, phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Tôi đề nghị, nghiên cứu quy định trưởng ban của HĐND cấp huyện phải hoạt động chuyên trách. Thường trực HĐND thực hiện chuyên trách, phó trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách, như vậy mới tăng cường vai trò hoạt động của thường trực HĐND.

Tôi cho rằng 3 thay đổi này không lớn, không khó thực hiện không tăng biên chế nhưng sẽ đem lại lợi ích, hiệu quả tích cực trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, ở cấp cơ sở, nếu có điều kiện thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, cần tăng phù hợp có lộ trình đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm.

Bên cạnh việc tạo điều kiện hoạt động như phương tiện, kinh phí, về cơ chế mời chuyên gia tham gia hoạt động giám sát, thẩm tra các ban của HĐND và nâng cao vai trò của HĐND như có chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức không giải quyết hoặc xử lý không kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của cử tri, các yêu cầu và kết luận giám sát về trình tự giám sát của tổ đại biểu HĐND… 

TÂM HUỲNH (ghi)