Học 5 thực hành lớn của Bác Hồ

Cập nhật, 05:22, Thứ Năm, 10/01/2019 (GMT+7)

Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Nói như GS.TS Hoàng Chí Bảo thì đây là chuyên đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì “nguồn gốc sức mạnh của Đảng là mối quan hệ gắn trọn máu thịt với nhân dân, dân với Đảng là một khối”.

Lúc sinh thời, Bác nhấn mạnh: “Nhân dân giúp đỡ ít thì thắng lợi ít, nhân dân giúp đỡ nhiều thì thắng lợi nhiều, nhân dân giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn. Nhân dân chiếm vị trí trung tâm, có tác dụng chi phối và là gốc của mọi vấn đề”.

Cán bộ, đảng viên ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ) luôn gần gũi, bàn bạc và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Cán bộ, đảng viên ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ) luôn gần gũi, bàn bạc và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Dân là gốc của mọi vấn đề

Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân.

Bởi theo Bác, có dân là có tất cả, “nếu không có dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Đặc biệt chú ý không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, không xúc phạm nhân dân.

Bác chỉ rõ, tôn trọng nhân dân có nhiều cách. “Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân”.

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Muốn phát huy dân chủ thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân…

Còn về chăm lo đời sống nhân dân, theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Mục tiêu, lý tưởng mà Người theo đuổi suốt cuộc đời là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nói đến đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng nhân dân, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng điều đó thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người.

Ý thức tôn trọng nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao ý dân, sức dân. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy.

Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người.

Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi sự tâng bốc, suy tôn, không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Người luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết: Tư tưởng, đạo đức, phong cách gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân không những được thể hiện trong những sách lý luận bàn về dân, dân chủ của Người, mà nó còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn.

Trong những năm gần cuối đời, không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác đã thực hiện khoảng 700 lượt đi thăm các địa phương, các đơn vị, công trường… từ miền ngược, miền xuôi, nông thôn, thành thị để lắng nghe và thấu hiểu, thấu cảm cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân.

Học 5 thực hành lớn của Người

GS.TS Hoàng Chí Bảo nói rằng, xuyên suốt cuộc đời của Người có 5 bài thực hành lớn ta nên ứng dụng.

Thứ nhất là gắn lý luận với thực tiễn và Người chủ trương từ thực tiễn để kiểm tra lý luận và phát hiện lý luận mới. Đó là phẩm chất tư duy độc lập sáng tạo của Bác.

Người kết luận, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là phẩm chất quan trọng nhất, là nguyên tắc tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà Bác và Đảng ta đã thực hành trong những năm qua.

Thứ hai là thực hành về dân chủ. Bác Hồ không chỉ là nhà lý luận về dân chủ mà còn là người thực hành về dân chủ rất mẫu mực.

Bác để lại cho chúng ta một câu nói nổi tiếng nhưng hết sức giản dị: “Dân chủ chính là dân làm chủ”. Bác còn nói thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa duy nhất giải quyết được mọi khó khăn. Mà dân chủ đó phải thực chất, tránh dân chủ hình thức, tập trung quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của dân.

Những năm cuối đời, nhất là khi viết bản Di chúc lịch sử, Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến thực hành dân chủ trong Đảng, vì Người cho rằng dân chủ trong Đảng sẽ là tấm gương thúc đẩy toàn bộ dân chủ trong xã hội. Mà muốn có dân chủ thì phải tôn trọng những ý kiến khác nhau, nhất là của giới trí thức.

Thứ ba là thực hành về đoàn kết. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Mà có dân chủ thực chất thì mới đoàn kết thực chất được, mới dẫn đến sức mạnh đồng thuận của xã hội. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới thì rất cần phát huy bài học dân chủ và đoàn kết này.

Thứ tư là thực hành dân vận. Công tác xã hội với quần chúng, vận động không sót một người nào, không phí phạm tài năng nào dù nhỏ nhất, bởi vì sức mạnh ở trong dân, quyền lực, lợi ích là ở trong dân.

Mà dân vận theo Bác phải là “không được chỉ tay năm ngón, không được hành chính mệnh lệnh”; “phải óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm”.

Thứ năm là thực hành đạo đức cách mạng. GS.TS Hoàng Chí Bảo cho đây là bài học thực hành lớn nhất, là bài học lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, đó là đạo đức của người cánh mạng. Có như vậy thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.

“Chúng ta phải luôn luôn học tập từ tấm gương sáng ngời của Bác. Và nếu học được các thực hành này sẽ thực hiện tốt chủ đề năm 2019”- GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết.

 

GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng: Cán bộ, đảng viên cần phải học Bác phương châm “nói ít làm nhiều”, phải hiểu dân đang cần gì, muốn gì. Nên làm những việc gì có thể làm được cho dân, làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân và phải chăm lo cho người có công với nước theo chế độ chính sách của Nhà nước công bằng và hợp lý. Đừng để nhân dân thiệt thòi, bất công. Phải lấy niềm tin, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả của mọi công việc.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ