Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết, thủy chung

Kỳ 2: "Bộ đội nhà Phật" lên đường giải cứu nước bạn

Cập nhật, 05:17, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

Hậu quả mà chế độ diệt chủng Pol Pot để lại là bao nhiêu mất mát đau thương cho đất nước Campuchia, nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói trầm trọng, dịch bệnh tràn lan, hơn 1 triệu người sống trong cảnh không nhà cửa.

Thiếu tướng Lê Khả Phiêu giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên chiến trường Tây Nam. Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Lê Khả Phiêu giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên chiến trường Tây Nam. Ảnh tư liệu

Trước tình hình trên, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, đánh tan bọn xâm lược và giúp nhân dân nước bạn lật đổ sự thống trị tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày được giải phóng khỏi họa diệt chủng, thoát cảnh lầm than, đọa đày, người dân Campuchia đã gọi quân tình nguyện Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”- đó là sự kỳ diệu đưa họ từ cõi chết trở về.

Cuộc chiến tự vệ, vì chính nghĩa

Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người cách mạng Campuchia chân chính quyết không cam chịu, đứng lên tập hợp lực lượng để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu mình. Nhiều cuộc nổi dậy của các lực lượng vũ trang và nhân dân cũng diễn ra.

Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch nên các cuộc đấu tranh gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhiều người Campuchia yêu nước đã sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ.

Thủ tướng Campuchia- Hun Sen từng khẳng định: “Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không có con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...”.

Đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết trên, dù Việt Nam còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, song, với truyền thống đoàn kết giữa 2 dân tộc, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ, bồi dưỡng, huấn luyện những người yêu nước Campuchia trở thành cốt cán cho cách mạng;

đồng thời móc nối, giúp đỡ và từng bước phối hợp với các lực lượng nổi dậy trong nước Campuchia đấu tranh chống Tập đoàn phản động Pol Pot.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Bùi Thanh Sơn- nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), không gian cuộc chiến không chỉ diễn ra ở các tỉnh biên giới, kẻ thù luôn tập trung lực lượng mạnh nhất, cao điểm lên đến 23 sư đoàn bộ binh cùng các quân binh chủng, lực lượng các quân khu và tỉnh trên tuyến biên giới.

Tổng số quân lên đến 12.000, với nhiều vũ khí hiện đại. Vì vậy, trong quá trình đánh địch, quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo các phương thức tác chiến, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, kết hợp phòng ngự và phòng thủ với phản công và tiến công, tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn phản động Pol Pot, giải phóng hoàn toàn Phnom Penh.

Cuộc tiến công này cũng kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo.

“Bộ đội nhà Phật”

Nhân dân Campuchia đã gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”! Ảnh: Tư liệu lịch sử
Nhân dân Campuchia đã gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”! Ảnh: Tư liệu lịch sử

Sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đày đen tối của chế độ diệt chủng nên khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào, nhân dân Campuchia đã đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết, cho đó là sự kỳ diệu giúp đưa họ từ cõi chết trở về.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: Việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ Tập đoàn Pol Pot- Iêng Xary không phải là “xâm lược” như những lời tuyên truyền vu cáo của các thế lực thù địch.

Điều này xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân 2 nước láng giềng, từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh và từ chân lý “giúp bạn là mình tự giúp mình” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Việc làm đó cũng là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi cứu nguy một dân tộc đang rơi vào thảm cảnh tột cùng của sự tha hóa, cần sự giúp đỡ quốc tế, trong đó có người bạn láng giềng truyền thống Việt Nam. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa”- nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định.

40 năm sau sự kiện lịch sử ấy, Đại tướng Phạm Văn Trà vẫn không thể quên những tháng ngày “chia lửa” cùng đồng đội trên đất nước bạn, những tháng ngày tuy gian khổ nhưng luôn sát cánh chiến đấu có nhau. Còn đối với người dân Campuchia, họ gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật” vì đã giải thoát cho hàng vạn người dân nước này thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo.

Thượng tướng Lê Chiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- phát biểu tham luận tại hội thảo cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng”.
Thượng tướng Lê Chiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- phát biểu tham luận tại hội thảo cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng”.

Thượng tướng Lê Chiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- khẳng định: Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt trước bọn diệt chủng Pol Pot, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường.

Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng.

Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa 2 dân tộc.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định sự nghiệp sáng ngời chính nghĩa của quân và dân Việt Nam cũng như các lực lượng cách mạng Campuchia. Trải qua biết bao thử thách, cam go, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia là tài sản quý báu mà 2 nước cần giữ gìn và phát huy, cùng nhau xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN PHONG