Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết, thủy chung

Cập nhật, 06:26, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)

Ngày 7/1/1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi giành lại toàn tuyến biên giới Tây Nam từ quân Pol Pot, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn phản động Pol Pot, giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnom Penh và đất nước Campuchia kết thúc thắng lợi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

40 năm trôi qua, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia, cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 2 nước sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa 2 dân tộc.

Kỳ 1: Pol Pot- chế độ diệt chủng tàn bạo

Sau thắng lợi mùa Xuân 30/4/1975, nhân dân Việt Nam tha thiết được sống trong cảnh hòa bình, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước, nhưng Tập đoàn Pol Pot với đường lối cực kỳ phản động đã đẩy dân tộc Campuchia vào họa diệt chủng; đồng thời kích động, xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ và gây ra nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam.

Đại tá Võ Chí Huyện (bìa phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa.
Đại tá Võ Chí Huyện (bìa phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa.

Diệt chủng tàn bạo

Hội thảo cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng”, tổ chức tại TP Long Xuyên (An Giang) vào ngày 28/12/2018, có hơn 80 tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, nhà nghiên cứu, góp phần làm rõ bối cảnh quốc tế, nguyên nhân của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam;

khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc và chủ trương, quan điểm chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Tháng 4/1975, ngay sau khi giành chính quyền được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn, chính quyền Pol Pot đã thi hành sự thống trị vô cùng tàn bạo, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

húng cho “tái cơ cấu” toàn bộ xã hội theo hướng sản xuất nông nghiệp tự túc và không còn giai cấp, xóa bỏ mọi chế độ xã hội, phá hủy chợ búa, hệ thống ngân hàng và tiền tệ, các bệnh viện, trường học, sản xuất công nghiệp và
thủ công nghiệp...

Đối với người dân, chúng thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động tập trung khổ sai, tra tấn hành hạ dã man và sẵn sàng hành quyết người vô tội với những lý do vô cùng nhỏ nhặt.

Hội thảo cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng” có đông đảo các đại biểu tham dự.
Hội thảo cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng” có đông đảo các đại biểu tham dự.

Pol Pot cũng tiến hành thanh trừng nội bộ một cách tàn bạo, biến nhà trường, nhà chùa thành nhà tù, khắp nơi đầy những hố chôn tập thể.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, ngay sau khi thâu tóm được quyền lực, chính quyền Campuchia Dân chủ đã đưa hầu hết dân chúng từ thành thị về nông thôn để cưỡng bức sản xuất nông nghiệp 12 tiếng mỗi ngày.

Chúng thay thế kinh tế thị trường bằng các hợp tác xã, mà những người đứng đầu có quyền quyết định chế độ lao động, ăn uống và giết bất kỳ ai mà chúng cho rằng “không cần thiết”.

Ngay cả những người có quan hệ với chính quyền cũ hay chính phủ nước ngoài, trí thức, văn nghệ sĩ, đến mức bất kỳ ai cầm một tờ giấy, cây bút chì, đeo kính hay là người Việt Nam, Thái Lan, kể cả các dân tộc thiểu số khác đều bị thủ tiêu ngay.

Trong thời gian cầm quyền (từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1978), Tập đoàn Pol Pot đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, đẩy đất nước đứng trước thảm họa diệt vong.

Chế độ hà khắc đã trùm lên đất nước Campuchia đau thương. Vì thế mà Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc Cứu quốc Campuchia- Rua Xamay, từng thốt lên về sự tàn bạo của chế độ Pol Pot như sau: “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tính ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền,… và không có nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.

Xâm lấn biên giới

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà- Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), chiến tranh biên giới Tây Nam chính thức mở đầu bằng sự kiện ngày 30/4/1977, khi lực lượng Pol Pot bất ngờ mở cuộc tiến công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang.

“Đây là cuộc chiến có chủ ý, được chuẩn bị từ sớm, nằm trong ý đồ chiến lược chung của các thế lực phản động quốc tế nhằm chống phá, làm cho Việt Nam mất ổn định và bị cô lập trên trường quốc tế”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định.

Nhưng trên thực tế, các cuộc khiêu khích, xung đột, xâm lấn đất đai của quân Pol Pot đã diễn ra từ tháng 5/1975, sau khi chính quyền Campuchia Dân chủ được thành lập.

Để thực hiện âm mưu trên, chính quyền Campuchia Dân chủ đã kích động tâm lý thù hằn dân tộc trong nhân dân Campuchia, gây thiệt hại nặng nề nhiều mặt cho Việt Nam đặc biệt là khu vực biên giới Tây Nam và làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ của 2 nước.

Ngay sau khi miền Nam Việt Nam vừa giải phóng, Tập đoàn Pol Pot đã xua quân đánh chiếm đảo Phú Quốc, Thổ Chu và nhiều vùng lãnh thổ của nước ta dọc tuyến biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ nước ta ngày càng tăng với quy mô ngày càng lớn, có nơi sâu vào tới 15km, khiến tình hình biên giới Tây Nam lúc đó hết sức căng thẳng.

Đi đến đâu chúng thảm sát dân thường đến đó, khủng khiếp nhất là vụ thảm sát ở xã Ba Chúc (An Giang).

Từ tháng 5/1975 đến 23/12/1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.200 dân thường Việt Nam vô tội với những phương thức vô cùng man rợ. Chúng còn đốt phá trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu bò, phá hoại hàng ngàn hecta hoa màu.

40 năm trôi qua, nhìn nhận lại hành động xua quân lấn chiếm biên giới, tàn sát người dân Việt Nam vô tội của Tập đoàn phản động Pol Pot, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng đó là “xâm lược, phi nghĩa, không gì có thể biện minh được”.

Khu di tích nhà mồ Ba Chúc, đang chứa hơn 1.150 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pol Pot giết hại là một bản cáo trạng, chứng minh tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ diệt chủng.

Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mặc dù lúc đó chúng ta có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhưng xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiên trì tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán, thương lượng.

Song, với bản chất phản động, ngoan cố, lại được sự tiếp sức của các thế lực phản động nước ngoài, Tập đoàn phản động Pol Pot đã cự tuyệt mọi thiện chí của chúng ta, đẩy mạnh xâm lược biên giới, tàn sát đồng bào, công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam.

Thực tế đó buộc chúng ta phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, sử dụng vũ lực đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nhân dân và chủ quyền lãnh thổ.

 

Đại tướng Phạm Văn Trà- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh): Những cuộc tiến công của quân đội Pol Pot không phải là hành động bộc phát mà có sự chỉ đạo từ những kẻ cầm đầu chính quyền Pol Pot, mang tính hệ thống, quy mô ngày càng lớn, hành động vô cùng tàn bạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN PHONG