Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908- 3/12/2018)

Đồng chí Ngô Gia Tự- người chiến sĩ cách mạng trung kiên

Cập nhật, 08:03, Thứ Hai, 03/12/2018 (GMT+7)

Đồng chí Ngô Gia Tự (bí danh Ngô Sỹ Quyết) ra đời ngày 3/12/1908, tại làng quê Tam Sơn (huyện Từ Sơn- Bắc Ninh). Đồng chí là thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và là Bí thư Xứ ủy đầu tiên của Nam Kỳ.

Thân sinh của đồng chí Ngô Gia Tự là cụ Đồ Du từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Thời trẻ, ông học Trường Bưởi (Hà Nội).

Ông say mê đọc sách, nổi tiếng học rộng tài cao. Bị Giám đốc Trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại chính phủ “bảo hộ”. Năm 1926, Ngô Gia Tự gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Đến giữa năm 1928, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ.

Tháng 5/1929, ông lãnh đạo cuộc bãi công lớn của công nhân Hãng AVIA (hãng sửa chữa ô tô lớn nhất miền Bắc Đông Dương) thành công và có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Đảng cũng như lịch sử phong trào công nhân Việt Nam.

Ông là một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929), Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ.

Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị bắt tại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), bị tòa đại hình kết án tù chung thân ngày 2/5/1933 và đày ra Côn Đảo.

Từ dụ dỗ, mua chuộc tới cực hình, tra tấn, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng kẻ thù không khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí.

Trong lao tù của thực dân Pháp, đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người “Chúng mình phải chịu hy sinh, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”.

Vào một đêm tháng Giêng năm 1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số người khác vượt ngục Côn Đảo. Đáng tiếc thay, các đồng chí đã mất tích giữa biển cả.

Năm ấy, đồng chí Ngô Gia Tự mới 27 tuổi. Đảng ta, Đảng bộ Nam Kỳ và đồng bào, đồng chí nhớ mãi Ngô Gia Tự- Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đầu tiên, kiên cường bất khuất.

Trong hơn 9 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã để lại những giá trị lớn về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Cuộc đời của đồng chí là mẫu mực về phẩm chất cao quý, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương, học tập.

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, trên Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1958), cách đây vừa tròn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.602).

Sự hy sinh cao đẹp của đồng chí Ngô Gia Tự cùng các chiến sĩ cộng sản và của nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước đã góp phần làm cho “cây cách mạng khai hoa, kết quả”.

Máu đào của các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự, đã viết nên những trang sử rất đỗi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng; đã khai mở con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân ta đến tự do, hạnh phúc và nhiều thắng lợi vĩ đại khác.

Sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Tầm vóc và ý nghĩa cách mạng sâu sắc của công cuộc đổi mới ở Việt Nam thể hiện ở việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bức tranh tươi đẹp đó, quê hương Bắc Ninh của đồng chí Ngô Gia Tự nổi lên như một trong những điểm sáng, vượt trội trên các lĩnh vực, đưa hình ảnh của Bắc Ninh lên tầm cao mới, xác lập vai trò và vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Đồng chí Ngô Gia Tự- nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người “đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”,

“đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc”, “gương mẫu, trung với nước, hiếu với dân, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng”.

Học tập, noi gương đồng chí, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; 

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

NGUYỄN VĂN THANH