Thận trọng, khoa học, khách quan, toàn diện khi sáp nhập huyện, xã!

Cập nhật, 15:35, Chủ Nhật, 12/08/2018 (GMT+7)

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp  xã từ nay đến năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khoá XII và Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc chia tách đơn vị hành chính thời gian qua bên cạnh mặt được thì cũng có một số bất cập và hạn chế, khiến bộ máy các cơ quan Nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực…

Tuy nhiên, nếu nhập lại, thì phải làm thế nào mới mang lại hiệu quả như mong muốn? Phóng viên chuyên mục Trò chuyện chủ nhật có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, đại biểu Quốc hội khoá XII, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này.                

Phóng viên: Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 30 năm từ 1986-2016, số đơn vị hành chính cấp huyện đã tăng từ 431 lên 731 (tăng 277 đơn vị); cấp xã tăng cũng tăng 1.505 đơn vị (mỗi năm tăng 50 xã).

Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội đánh giá có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt tiêu chuẩn, cần nghiên cứu để nhập lại, ông đánh giá việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Về việc sáp nhập huyện, xã, Bộ Nội vụ đang có Đề án, hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Đề án được tổ chức mới đây nhất là vào ngày 9-8.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2021 sẽ sáp nhập 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chí. Tôi thấy Đề án đang có nhiều vấn đề phải bàn.

Mục tiêu là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội nhưng hiện mới chỉ có 2 tiêu chí để sáp nhập, đó là diện tích và dân số là chưa đủ.

Trước đây, khi tách ra vì quá rộng hoặc cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, bây giờ lại nhập vì cho rằng chia cắt, manh mún. Điều đó đúng, cần thiết, nhưng phải tính toán kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Phóng viên: Ông cho rằng 2 tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là diện tích và dân số là chưa đủ, vậy theo ông, cần tính toán thêm những tiêu chí gì để khi nhập vào, các đơn vị hành chính mới có thể hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự mang lại lợi ích cho người dân?          

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, sáp nhập ngoài diện tích, dân số, phải tính toán đến địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá... Mỗi vùng, có  đặc điểm đất đai, khí hậu riêng, văn hoá truyền thống cũng khác nhau chứ không chỉ có dân số và diện tích.

Không chỉ huyện, xã, mà từng thôn cũng có phong tục tập quán khác nhau, Thành hoàng làng riêng. Thôn nào cũng có Thành hoàng làng, hội làng, văn hoá khác nhau, giọng nói cũng khác nhau. Bây giờ chỉ quan tâm đến diện tích dân số là không đủ. Xã, huyện, tỉnh cũng thế.

Phóng viên: Nhưng nếu dựa vào tất cả các yếu tố trên thì không thể tinh gọn được vì mỗi thôn, xã, huyện, tỉnh đều có đặc điểm riêng? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tinh giản đầu mối là đúng, giảm cán bộ là cần thiết. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương là phải quy hoạch lại.

Nhưng quy hoạch lại thế nào mới là vấn đề. Nếu không cẩn thận là không đạt được mục tiêu. Vì khi tách ra cũng đầy sức thuyết phục, nhập vào cũng vậy.

Vì thế, để nhập lại, phải đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan. Tôi lấy ví dụ như việc tách tỉnh. Trong thực tế, các tỉnh như Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, Phú Khánh, Hoàng Liên Sơn... khi tách ra đã phát triển ổn định, tốt hơn trước.

Tất nhiên, cũng có tỉnh khi tách ra thì quá bé như Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Dù bé, nhưng nhiều tỉnh, phát triển rất tốt, như Bắc Ninh, GDP đứng trong top đầu của cả nước, Vĩnh Phúc cũng phát triển mạnh. Chính vì vậy, nếu nhập lại thì phải tính toán, nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

Phóng viên: Theo ông, điều quan trọng nhất trong việc sáp nhập, tinh giản bộ máy là gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Như tôi đã nói, tinh giản đầu mối là đúng, nhưng chúng ta chưa quan tâm nhiều đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và con người để vận hành cái tổ chức đó.

Cái đó mới là cái cơ bản, quan trọng nhất. Việc sáp nhập huyện, xã là cần thiết nhưng phải tính đến hiệu quả là ổn định chính trị, kinh tế, phù hợp với địa văn hoá của từng vùng.

Phải đánh giá kỹ tách ra hiện trạng thế nào, có đạt được mục tiêu hiệu lực, hiệu quả, ổn định, phát triển hay không.

Trong Đề án chỉ mới đánh giá ưu nhược điểm, chứ cái chính là sự phát triển, đội ngũ cán bộ thế nào thì chưa rõ, chưa quan tâm đến chức năng nhiệm vụ.

Đồng ý là phải sáp nhập nhưng phải có lộ trình và nghiên cứu thật khách quan đầy đủ, toàn diện: mục tiêu, thực trạng, các giải pháp và lộ trình. Bổ sung các tiêu chí địa chính trị địa văn hoá, địa kinh tế, đặc biệt là tiêu chí con người. Việc này phải hết sức thận trọng.

Phóng viên: Mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2021 cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định.

Theo ông, trong thời gian ngắn tới, mục tiêu này có đạt được hay không? Nếu người dân ở địa phương đó không đồng thuận thì có nên sáp nhập hay không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, nếu quyết tâm và nhân dân ủng hộ thì sẽ làm được. Nhưng có một số vấn đề cần cân nhắc. Các yếu tố phải tính toán thì như tôi đã nói ở trên.

Vấn đề nữa thì theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân.

Chính vì vậy, nếu quyết tâm làm thì phải nghiên cứu kỹ các yếu tố văn hoá, truyền thống, chính trị, kinh tế, đánh giá tác động và có mục tiêu, lộ trình cụ thể để tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và đồng tình ủng hộ. Nếu làm được các việc trên, tôi nghĩ, việc sáp nhập sẽ thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy mô dân số, huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên; huyện còn lại từ 120.000 người trở lên; về diện tích tự nhiên: huyện miền núi, vùng cao từ 850km2 trở lên; huyện còn lại từ 450km2 trở lên.

Về tiêu chuẩn cấp xã: quy mô dân số xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã còn lại từ 8.000 người trở lên; diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã còn lại từ 30km2 trở lên.       

Bộ Công an là đơn vị đầu tiên thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, so với bộ máy tổ chức cũ đã giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.

Ở Công an địa phương sáp nhập 20 Cảnh sát PCCC vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.

Theo CAND