Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân

Cập nhật, 06:00, Thứ Sáu, 10/08/2018 (GMT+7)

+Hơn 82% ĐVHC cấp huyện chưa đạt tiêu chuẩn quy định

Sáng 9/8/2018, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đồng chủ trì hội nghị.

Đánh giá về thực trạng tổ chức ĐVHC các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia tách ĐVHC trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế- xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.

Tuy nhiên, quá trình chia tách các ĐVHC cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế.

Việc tăng số lượng ĐVHC các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia, tách không gian văn hóa- xã hội ở một số vùng, miền.

Hiện số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số là rất lớn. Có 588/713 ĐVHC cấp huyện (82,47%) và 9.434/11.162 ĐVHC cấp xã (84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số.

Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số.

Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã không đạt 2 tiêu chuẩn trên.

Việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một ĐVHC cùng cấp liền kề.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với việc sáp nhập các ĐVHC, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC đều phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% số cử tri trên địa bàn đồng ý mới trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, điều này thể hiện đúng bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trên địa bàn cần phải lấy ý kiến nhân dân và phải làm cho thực chất, phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

PV