Nên giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ

Cập nhật, 17:05, Thứ Sáu, 01/06/2018 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp.

* Đại biểu Lưu Thành Công: Theo tôi, dự án luật trình lần này khá toàn diện, các điều khoản quy định hướng đến việc phòng ngừa là chính.

Tập trung nhiều cho minh bạch tài sản của cán bộ lãnh đạo quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, các điều khoản đặc biệt là các điều khoản bổ sung mới quy định cần mang tính thực tiễn, mang tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tế.

Cụ thể, ở chương 2 quy định về phòng ngừa tham nhũng, tại mục 1 quy định về công khai, minh bạch của tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó ở điều 10 quy định về hình thức công khai, tôi không đồng tình.

Theo đó, trong các hình thức công khai có quy định cơ quan, đơn vị phải công khai bằng cách thông báo bằng văn bản đến các cơ quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức họp báo, quy định như thế theo tôi là không khả thi.

Tôi đề nghị chỉ cần quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào nếu cần thiết muốn biết về chức năng nhiệm vụ kết quả thực hiện các mặt công tác của một đơn vị nào đó thì có quyền đến và yêu cầu cung cấp thông tin như quy định tại điều số 13.

Đối với quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập, tôi rất đồng tình. Đây là chương mới, trước đây chúng ta có quy định nhưng theo đánh giá của Ủy ban kiểm tra Trung ương đây là vấn đề mà chúng ta làm kém nhất, nhất là minh bạch tài sản.

Qua nghiên cứu, tôi thấy có những điều khoản quy định sẽ rất khó thực hiện, như quy định từ điều 32- điều 57, chủ thể để quản lý tài sản có 2 chủ thể là thanh tra và người đứng đầu phải có nhiệm vụ quản lý, xác minh thu nhập của cán bộ.

Theo quy định, Thanh tra Chính phủ quản lý, xác minh thu nhập người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, liệu chúng ta có làm nổi không, nhất là tới các dịp có khiếu kiện cần các minh tài sản như bầu cử?

Với nội dung này, theo tôi nên quy định lại theo hướng chỉ giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Người đứng đầu sẽ có trách nhiệm yêu cầu cán bộ công chức dưới quyền của mình phải kê khai tài sản, thu nhập;

theo dõi biến động tài sản thu nhập, xác minh tài sản thu nhập theo quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên về việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc quyền của mình.

Đồng thời, có trách nhiệm quản lý và cung cấp bản kê khai tài sản cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Quy định như thế sẽ sát sao, tăng thêm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý cán bộ, đúng quan điểm của Đảng, nhà nước ta về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Về tính chất xã hội, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Về mặt nội dung, bố cục, đã được bổ sung rất chi tiết với mong muốn thời gian tới giải quyết được căn cơ vấn đề tham nhũng, tuy nhiên qua nghiên cứu, tôi thấy một số điều luật nếu đem ra áp dụng sẽ khó khăn.

Chẳng hạn như nghĩa vụ kê khai tài sản, đây là một điều được bổ sung mới, trong đó quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Tôi hiểu quy định như thế nhằm gom lại tránh rườm rà mở rộng đối tượng thuộc diện phải cùng kê khai tài sản.

Nhưng trên thực tế, trong xã hội bây giờ nếu đối tượng có hành vi tham nhũng thì việc kê khai tài sản của họ rất tinh vi, và quy định như thế theo tôi cũng chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

Họ có thể chuyển tài sản cho cha mẹ, cho các con đã thành niên… thì việc quy định kê khai như vậy có bảo đảm tính chính xác hay không, tôi rất băn khoăn với quy định này?  

Báo cáo của Chính phủ những năm qua cho biết, số lượng hồ sơ kê khai rất nhiều, nhưng kê khai rồi cũng lưu trữ thôi, đối tượng được thẩm tra xác minh rất khiêm tốn, chỉ có những đối tượng có dấu hiệu bị phát hiện mới tiến hành xác minh còn phần lớn chỉ lưu trữ.

Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, không khéo chúng ta đưa ra nhiều, rất cầu toàn nhưng không thực hiện được, chỉ mang tính hình thức không đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống.

Đối với điều 59 về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, ban soạn thảo đề xuất xử lý theo hướng khi mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản,

thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì người đó phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế (đóng 45% số tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm).

Tôi thấy rất băn khăn với quy định này và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, vì nếu phát hiện họ có khoảng thu nhập chênh lệch nhưng chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có và họ chỉ cần đóng thuế thôi thì dễ quá.

Còn một số điểm quy định trong luật theo tôi khó thực hiện trong thực tiễn, cụ thể ở điều 91 quy định trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức thành viên, sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giải quyết vụ việc, vụ án tham nhũng, liệu họ có làm được không?

Hay công khai minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong các tổ chức xã hội thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Trong đó, luật giao ban kiểm tra của tổ chức xã hội của cơ quan đó thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ cơ quan đó liệu có thực hiện được hay không?

Tôi rất băn khoăn với nhiều nội dung mới được đưa vào điều luật, rất chi tiết  nhưng tính khả thi không cao, mong cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại, chúng ta không nên quá cầu toàn, đưa nhiều nội dung nhưng không khả thi thì cũng không giải quyết được yêu cầu trong phòng chống tham nhũng hiện nay.  

TÂM HUỲNH (ghi)