Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sau chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ đã vượt qua được những khó khăn

Cập nhật, 10:30, Thứ Ba, 05/06/2018 (GMT+7)

Chiều 4/6, trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà dành lời đầu tiên cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội lần thứ 2 tham gia giải trình trên nghị trường (lần chất vấn đầu tiên tháng 11/2016).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, thời điểm đó ngành tài nguyên môi trường gặp phải những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được.

Nhưng sau khi được Quốc hội chất vấn, nhận các ý kiến đóng góp sâu sát, cụ thể của nhiều vị đại biểu, với những vấn đề tưởng chừng không vượt qua được đó, Bộ đã vượt qua.

Được biết, tháng 11/2016, trong lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông Trần Hồng Hà đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự cố ô nhiễm biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) chất vấn đầu tiên: Bộ Tài nguyên và môi trường đã có nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra, đặc biệt tại khu vực sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Châu Giang. Giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Phải thừa nhận môi trường nói chung và lưu vực sông chưa cải thiện. Có 3 nguyên nhân: Nguồn thải khu công nghiệp cơ bản đã kiểm soát và có biện pháp cụ thể, giám sát trước khi xả thải.

Có điều khó khăn là chưa chú ý thu gom nước thải, hạ tầng đô thị yếu kém. Trên 95% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường.

Làng nghề truyền thống năng lực hạn chế nên gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn lực nhà nước lại có hạn. Trên thực tế thời gian qua đã xác định những địa phương có nhiều nước xả thải, xác định nguồn nước thải từng địa phương, huy động xã hội hóa và huy động nguồn lực từ tư nhân.

Có 3 giải pháp: Xác định từng thành phố chịu trách nhiệm với xả thải. Thu gom rác thải và từng bước để người dân tham gia vào đóng góp chi phí để xử lý rác thải.

Tôi tin rằng, cơ chế đầu tư từ nhà nước và xã hội hóa thì sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm trong tương lai gần.

Theo LĐO