Quốc hội chỉ họp 19 ngày, chất vấn 'hỏi nhanh đáp gọn'

Cập nhật, 16:41, Thứ Ba, 17/04/2018 (GMT+7)

Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 5 vào ngày 21/5 tới đây và sẽ có một kỳ họp ngắn nhất so với thông lệ nhiều năm nay (dự kiến bế mạc ngày 14/6).

Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng cường tranh luận, đối thoại - Ảnh: LÊ KIÊN
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng cường tranh luận, đối thoại - Ảnh: LÊ KIÊN

Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ 5 sẽ tiếp tục có những cải tiến, đổi mới theo hướng tiết kiệm thời gian, tăng cường đối thoại, tranh luận.

Hỏi một phút, đáp ngắn gọn

Đặc biệt, phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo thể thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Đây là thể thức đã được thí điểm tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3-2018), với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "nhiều cử tri nhắn tin cho tôi hoan ngênh cách chất vấn như vậy, hấp dẫn, tăng cường đối thoại, lại tránh được tình trạng hỏi trùng lặp, rồi hỏi nhiều câu quá thì người trả lời nghe, ghi chép không kịp nên khi trả lời không đầy đủ".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với đề xuất giảm thảo luận tại các phiên họp tổ, tăng các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, thời gian dành cho các dự thảo luật, các vấn đề không nhất thiết phải "chia đều" mà phụ thuộc vào tính chất, mức độ của từng nội dung cũng như sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

"Sau phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, tiếp thu các ý kiến góp ý, tôi đề nghị tới đây cải tiến một bước để giảm áp lực cho các bộ trưởng. Vì vậy chúng ta sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu hỏi 1 phút, sau đó bộ trưởng sẽ trả lời ngắn gọn. Như vậy sẽ đủ thời gian để bộ trưởng suy nghĩ, trả lời" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động cung cấp thông tin nhiều chiều, giải thích trước dư luận những nội dung, vấn đề được quan tâm. "Tránh tình trạng vừa qua, Quốc hội chưa hay biết gì về dự án Luật Thuế tài sản nhưng đã om sòm dư luận" - bà Ngân nói.

Quốc hội xem xét 16 dự luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; và nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Quốc hội cho ý kiến, thảo luận 9 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản (nếu có).

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017). Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Nội dung đáng chú ý là Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. 

Thời gian qua, đoàn giám sát của Quốc hội đã có nhiều phiên làm việc với Chính phủ và các cơ quan hữu quan về nội dung này, nhưng phần lớn các phiên họp đều hạn chế báo chí.

Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Như thường lệ, Ủy ban Trung ương MTTQ VN sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ nhận được nhiều báo cáo chuyên đề quan trọng, như: các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề hoặc những vấn đề bức xúc nổi lên được giám sát, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017; các báo cáo của Chính phủ về: Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí; Việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; 

Về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; Kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017…

Theo LÊ KIÊN (TTO)