Phong trào Đông du- luồng gió mới cho cách mạng ở Vĩnh Long

Cập nhật, 07:30, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu thăm và nói chuyện với du học sinh tại Trường ĐH Tokuyama (Nhật Bản).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu thăm và nói chuyện với du học sinh tại Trường ĐH Tokuyama (Nhật Bản).

Người dân Vĩnh Long có tinh thần yêu nước nồng nàn, điều đó thể hiện rất rõ qua những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và phong trào Đông du là một điển hình.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 3 năm (1905- 1908) nhưng Vĩnh Long là tỉnh có số người tham gia phong trào đứng thứ 2 của cả nước, theo tinh thần xuất dương cầu học do Phan Bội Châu khởi xướng.

Một luồng gió mới cho cách mạng

Phong trào Đông du được xem là một luồng gió mới cho phong trào cách mạng ở Vĩnh Long lúc bấy giờ. Tại sao người dân Vĩnh Long tích cực hưởng ứng phong trào Đông du (và nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khác), chỉ có một cách giải thích đơn giản: đó là vì người dân có lòng yêu nước nồng nàn.

Còn nhớ, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ 2 vào năm 1867, hoạt động chống thực dân Pháp của nhân dân Vĩnh Long nổ ra liên tục và gây nhiều tiếng vang lúc bây giờ.

Điển hình là cuộc khởi nghĩa do Phan Tôn, Phan Liêm lãnh đạo ở vùng Hoằng Trị (Bến Tre ngày nay) vào tháng 8/1867 lan rộng đến Định Tường, Vĩnh Long; cuộc khởi nghĩa Vĩnh Trị (Vũng Liêm) năm 1872 do Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao và Phó Mai lãnh đạo diễn ra tại Cầu Vong, giết Chánh Tham biện Alix Salicetti…

Mặc dù bị đàn áp dã man, nhưng quân khởi nghĩa vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi Nguyễn Giao tử trận năm 1885. Phong trào chống Pháp của nhân dân Vĩnh Long tạm lắng xuống khi Vua Hàm Nghi xuống chiếu phát động phong trào Cần Vương.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vào đầu năm 1904, Phan Bội Châu bí mật đến Vĩnh Long gặp các nhà nho yêu nước như Nguyễn Ngươn Hanh (Xã Trinh), Trần Phước Định, Đặng Văn Nguyên…

Tuy là lần tiếp xúc đầu tiên và không lâu nhưng cuộc trao đổi đó có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của các cụ, đồng thời thức tỉnh tinh thần yêu nước các nhà nho ở địa phương.

Năm 1905, Phan Bội Châu đến Nhật và phát động phong trào Đông du, với con đường cứu nước bằng duy tân, xuất dương cầu học đã thổi một luồng gió mới vào phong trào yêu nước chống Pháp ở Vĩnh Long và được hưởng ứng một cách nồng nhiệt.

Thời điểm này, các nhà nho yêu nước, tiến bộ ở Tam Bình, Trà Ôn như Nguyễn Ngươn Hanh, Trần Phước Định, Lý Trung Chánh, Phan Văn Tòng,... đã nỗ lực hành động, truyền bá tư tưởng Duy tân, ra sức vận động, quyên góp tiền của ủng hộ phong trào, đồng thời vận động con em mình lên đường xuất dương sang Nhật du học với mục đích trang bị kiến thức để chờ thời cơ.

Vĩnh Long đã trở thành một điểm sáng trong phong trào Đông du, là 1 trong 4 trung tâm bí mật tuyển chọn du học sinh ở Nam Kỳ và cả nước. Trong số gần 200 du học sinh của phong trào Đông du, Vĩnh Long có hơn 30 người và là một trong những tỉnh có số du học sinh có con em sang Nhật nhiều nhất của phong trào.

Trong số trên 30 du học sinh Vĩnh Long, có nhiều người tuổi còn nhỏ như Trần Văn An (10 tuổi), Trần Văn Thư (8 tuổi), Lý Liễu (6 tuổi)…

Theo TS. Trương Gia Kiệm, phong trào Đông du lan tỏa khắp cả nước, tuy tham gia sau nhưng số lượng du học sinh Nam Kỳ chiếm phân nửa tổng số du học sinh (khoảng 200 người), trong đó Vĩnh Long là tỉnh có số lượng người theo nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Nghệ An là quê hương của phong trào này.

Ngoài ra, Nam Kỳ đã đóng góp nhiều nhất với 4 vạn tiền Đông Dương cho quỹ du học, trong đó Vĩnh Long đóng góp không nhỏ cho phong trào.

 Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chứng kiến việc ký kết hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục và đào tạo của ngành giáo dục và Trường ĐH Tokuyama.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chứng kiến việc ký kết hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục và đào tạo của ngành giáo dục và Trường ĐH Tokuyama.

Bài học đầu tiên về đổi mới tư duy

Phong trào Đông du là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Việt Nam nói chung, trong đó có Vĩnh Long.

Theo ông Trương Công Giang- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phong trào là hướng đột phá trong việc đặt mối quan hệ với thế giới bên ngoài, với các lực lượng tiến bộ có thiện chí với ta.

Trước sự thay đổi về kinh tế- xã hội- chính trị, các sĩ phu nho học tầng lớp địa chủ yêu nước Vĩnh Long lúc bấy giờ đã có nhận thức mới về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đây là bài học về đổi mới tư duy đầu tiên ở Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung về sau này vẫn còn nguyên giá trị không những góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc mà còn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cùng đoàn công tác tỉnh thăm doanh nghiệp Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cùng đoàn công tác tỉnh thăm doanh nghiệp Nhật Bản.

Từ những kinh nghiệm quý báu của phong trào Đông du, Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước thông qua việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ở thời điểm hiện nay, tỉnh tiếp tục mở rộng quan hệ với Nhật trong liên kết đầu tư, đào tạo, đưa con em sang Nhật học tập, xuất khẩu lao động…

Hiện nay, nhiều công ty Nhật đang hoạt động ở Vĩnh Long, tỉnh đã thành lập Hội Hữu nghị Việt- Nhật nhằm tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp để hợp tác và phát triển cùng có lợi theo xu thế mới.

Với một nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt và mức lương khá hấp dẫn với người lao động thì Nhật Bản đang là thị trường hàng đầu thu hút được nhiều sự quan tâm của lao động Việt Nam, trong đó có Vĩnh Long.

Thông qua xuất khẩu lao động, không chỉ có việc làm ổn định, cho thu nhập cao, người lao động còn học hỏi được rất nhiều từ công việc.
Thông qua xuất khẩu lao động, không chỉ có việc làm ổn định, cho thu nhập cao, người lao động còn học hỏi được rất nhiều từ công việc.

Năm 2017, toàn tỉnh có trên 1.000 lao động xuất cảnh, trong đó lao động sang thị trường Nhật Bản trên 900 người. Người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đã tích cóp được vốn để tạo việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình cải thiện cuộc sống.

Chính vì vậy, xuất khẩu lao động là một trong những phương án giải quyết việc làm có hiệu quả, nhất là xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá cao việc hợp tác với Nhật trong đầu tư cũng như xuất khẩu lao động, xem đây là chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Tới đây, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương này đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Riêng đối với người lao động, ông mong muốn người lao động phát huy tối đa những kiến thức đã học, hoàn thành tốt công việc, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp; sau khi về nước sẽ là nguồn lao động có kỹ thuật cao, là nhân tố tích cực góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long giàu mạnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 5 dự án Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào tỉnh Vĩnh Long, ước vốn đăng ký khoảng 27,73 triệu USD thuộc các lĩnh vực như: sản xuất, chế biến, tư vấn kỹ thuật và thi công lắp đặt máy móc thiết bị liên quan đến lĩnh vực xử lý nước và môi trường; kho bãi, vận tải- giao nhận hàng hóa.

 


Được sự chấp thuận của UBND tỉnh trong việc hợp tác quốc tế lĩnh vực GD- ĐT tại địa phương, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã ký kết hợp tác với Trường ĐH Tokuyama (TP Shunan, tỉnh Yamaguchi- Nhật Bản) về việc tạo điều kiện cho các học sinh THPT tỉnh Vĩnh Long đến học tập và làm việc tại Nhật Bản, với nhiều chính sách giảm học phí, cơ hội việc làm. Tính đến nay, tỉnh đã đưa 6 đợt học sinh đến du học tại Trường ĐH Tokuyama với tổng số 69 học sinh. Qua đó, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị xây dựng quan hệ tiến đến thỏa thuận ghi nhớ hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Yamaguchi.


THANH TÂM- THÚY QUYÊN

(Ảnh do ngành cung cấp)