Chính sách dân số sẽ song hành với sự phát triển kinh tế- xã hội

Cập nhật, 07:11, Thứ Năm, 25/01/2018 (GMT+7)

Theo Chương trình hành động số 25 của Tỉnh ủy về công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua công tác dân số đã đạt được những thành quả nhất định. Song, cũng phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục.

70% phụ nữ mang thai được khám sàng lọc, tầm soát thai.  Ảnh minh họa
70% phụ nữ mang thai được khám sàng lọc, tầm soát thai. Ảnh minh họa

Đạt mức sinh thay thế trước 10 năm

Từ năm 1993, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóaVII) về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Qua thời gian triển khai thực hiện, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân.

Thực hiện chính sách này, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh từ 10,6% (năm 2005), giảm xuống còn 7,4% (năm 2014).

Tỷ suất sinh từ 16,6‰ (năm 2005) giảm xuống còn 14,5‰ (năm 2014). Tại hội nghị triển khai chương trình này, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh vào năm 2008 là 1,63 con, năm 2016 là 1,81 con, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay.

Quy mô gia đình nhỏ, ít con dần được xã hội chấp nhận, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, từ năm 2009 tỉnh Vĩnh Long bước vào thời kỳ dân số vàng.

Do thực hiện tốt chính sách dân số, sức khỏe sinh sản của người dân từng bước được cải thiện.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 18,8% (năm 2010) xuống còn 14% (năm 2015), tương ứng giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản từ 0,15‰ xuống còn 0,095‰, tỷ lệ nạo phá thai giảm từ 25,8% xuống còn 21,7%.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục được duy trì ở mức cao, năm 2015 là 76%, trong đó tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt
trên 69,5%.

Điều quan trọng theo đánh giá của Tỉnh ủy do làm tốt công tác tuyên truyền, nên nhận thức thái độ hành vi về dân số và sức khỏe sinh sản của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực, sớm đạt và vượt các mục tiêu
đề ra

Tỉnh sẽ đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Xem đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị. Đồng thời, chủ động thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và của tỉnh. Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.

 

Là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy

Dù đạt được nhiều thành quả về công tác dân số, tuy nhiên theo đánh giá của Tỉnh ủy, hiện nay đã xuất hiện những bất cập trong công tác dân số mà các cấp, các ngành phải quan tâm khắc phục.

Hiện nay, mức sinh tuy đã đạt và thấp hơn mức sinh thay thế nhưng không ổn định và có chiều hướng giảm mạnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm và ngày càng thấp so với nghị quyết của tỉnh đề ra (0,6- 0,8 %/năm), cá biệt có huyện giảm còn 0,5%/năm, mất cân bằng về duy trì mức sinh thay thế.

Theo ông Lữ Quang Ngời, điều đáng quan tâm nhất là tỷ số giới tính khi sinh hiện nay đã vượt giới hạn chỉ số cân bằng sinh học bình thường.

Theo đó, giới hạn chỉ số cân bằng sinh học bình thường là 103- 107 bé trai/100 bé gái, trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hiện là 110,8 bé trai/100 bé gái.

Đặc biệt, tỷ suất này luôn biến động không ổn định qua các năm; xã nghèo, vùng khó khăn có mức sinh còn cao, trong khi khu vực đô thị, kinh tế phát triển xuất hiện xu hướng mức sinh giảm xuống thấp.

Điều đáng quan tâm nữa là tốc độ già hóa dân số đang gia tăng, do tuổi thọ tăng nhanh và mức sinh ngày càng giảm và chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Để khắc phục những tình trạng trên, Chương trình hành động số 25 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị;

50% số huyện- thị- thành đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại;

giảm 80% số phụ nữ tuổi vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22% và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11% dân số tỉnh…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, trong thời gian tới tỉnh tăng cường sự lãnh đạo về công tác dân số.

Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng thời, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số

Đến năm 2030, tỷ lệ nam- nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được khám sàng lọc, tầm soát thai ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe; được khám, chữa bệnh; được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng hoặc cơ sở chăm sóc tập trung.

 

Bài, ảnh: BÙI THANH