TỔNG KẾT 10 NĂM CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN VÀ BÁO CHÍ

Đổi mới công tác giáo dục chính trị- lý luận cần gắn với thực tiễn

Cập nhật, 05:01, Thứ Năm, 26/10/2017 (GMT+7)

Qua 10 năm thực hiện công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số biểu hiện cần quan tâm và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cần hướng đến việc vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn trong việc giảng dạy lý luận chính trị.
Cần hướng đến việc vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn trong việc giảng dạy lý luận chính trị.

Giáo dục chính trị bằng nhiều hình thức

Hiện nay, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên được thực hiện với nhiều hình thức, phổ biến nhất là thông qua các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, các ngành, cấp ủy đảng các cấp.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng các cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

Trong công tác lý luận, hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị Phạm Hùng, Ban Tuyên giáo và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, thông tin thời sự, chính trị để cung cấp, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.

Theo ông Đinh Văn Tiền- Hiệu trưởng Trường Chính trị Phạm Hùng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn thừa nhận công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Trung ương cũng chỉ rõ biểu hiện suy thoái thứ 3 là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị (LLCT);

lười học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Hiện nay, “bệnh” lười học LLCT bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả về phía người dạy và người học.

Theo ông Đinh Văn Tiền, có một bộ phận cán bộ, đảng viên không xác định được mục đích, động cơ đúng đắn của việc học tập LLCT.

Học không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến, học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm.

Về phía người dạy, một số giảng viên, báo cáo viên vẫn nặng thuyết trình, thầy đọc trò chép, thuyết giảng một chiều, nhồi nhét kiến thức, không tạo được sự hứng thú, gây nhàm chán cho người học. Để góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên hiện nay, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị trong nội bộ, cần tuyên truyền sâu về tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu LLCT.

Bên cạnh đó, giảng viên, báo cáo viên cần đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy sao cho giờ học LLCT trở nên sinh động, hấp dẫn.

Không chỉ truyền dạy một chiều mà cần phải biết vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn, biết khai thác những tư liệu từ kinh nghiệm thực tiễn của cả người dạy lẫn người học.

Cần cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí

Thời gian qua, báo chí trong tỉnh thực hiện tốt chức năng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh hiện có 4 cơ quan báo chí, trong đó Báo Vĩnh Long và Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long là 2 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh.

Về nguồn nhân lực hoạt động báo chí, toàn tỉnh có trên 800 người, trong đó phóng viên, biên tập viên chiếm hơn 2/3 và công nhân kỹ thuật, in ấn, phát hành chiếm gần 1/3.

Có 224 hội viên Hội Nhà báo, 124 nhà báo được cấp thẻ. Trình độ LLCT, chuyên môn của đội ngũ làm báo ngày càng được nâng lên; được phân công đúng lĩnh vực, chuyên môn và có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác báo chí trước yêu cầu mới.

Báo Vĩnh Long từ tháng 3/2011, tăng lên 5 kỳ/tuần, mỗi tờ 12 trang in. Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long từ năm 2007 phát 24 giờ/ngày trên cả sóng phát thanh và truyền hình, phạm vi phủ sóng cả nước. 

Công tác báo chí của tỉnh đã có sự nỗ lực vươn lên trong phát huy những ưu điểm, thế mạnh đồng thời khắc phục các khuyết điểm, hạn chế mà Nghị quyết 16 đã chỉ ra.

Trong đó, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long trở thành một hiện tượng báo chí nổi bật, là niềm tự hào chung của tỉnh nhà, cần được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khoa học.

Để tạo điều kiện tốt hơn cho báo chí thực hiện công tác tuyên truyền trong thời gian tới, nhà báo Phạm Thanh Xuân- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đề nghị:

Trước những sự kiện, sự việc nóng, nhạy cảm trong tỉnh, trong nước và thế giới, đề nghị lãnh đạo và các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin kịp thời và định hướng tuyên truyền cụ thể cho lực lượng làm công tác báo chí, đồng thời quan tâm tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ LLCT cho đội ngũ làm công tác báo chí.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- cho rằng: Báo chí là công cụ, là phương tiện công tác tư tưởng của Đảng và có tính đặc thù riêng là thông tin đại chúng.

Thông tin càng nhanh thì hiệu quả, tác dụng tuyên truyền càng cao, do đó Đảng, chính quyền cần có cơ chế thông tin nhanh cho báo chí để báo chí làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thông tin chính thống nhanh còn là yếu tố để báo chí của tỉnh cạnh tranh với báo chí ngoài tỉnh và tạo lợi thế cho báo chí tỉnh nhà phát triển.

Ngoài ra, trong chương trình làm việc của mình, Tỉnh ủy có thể có chương trình riêng về lãnh đạo báo chí, ít nhất một năm một lần về lãnh đạo hoạt động báo chí, có định hướng, chủ trương giúp báo chí phát triển và làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo nhà báo Phạm Hoàng Khải, để nâng cao năng lực lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với báo chí địa phương, cần bám sát các nghị quyết, quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng về báo chí, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, về xuất bản, về tần số; pháp luật nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình và về thông tin điện tử, website trên mạng internet và thực tế địa phương để xây dựng các văn bản lãnh đạo sát, đúng.

Bài, ảnh: BÙI THANH