Cần có cơ chế giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên

Cập nhật, 10:55, Thứ Năm, 21/09/2017 (GMT+7)

Qua 3 năm thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Vĩnh Long đã đạt một số kết quả bước đầu.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Minh Hạnh- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

* Qua 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, đồng chí có thể đánh giá một số kết quả đạt được?

- Sau khi tiếp thu Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả.

Đặc biệt, Ban Dân vận tham mưu Tỉnh ủy có Quyết định số 823 ban hành Quy chế về trách nhiệm của cấp ủy Đảng trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội khi thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Trong có, có Quy chế về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Qua hơn 3 năm tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận.

Thể hiện cụ thể là nghị quyết hàng năm về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể đều đưa nội dung giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội để lãnh đạo thực hiện thống nhất trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy Đảng đưa nội dung giám sát việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218-QĐ/TW vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm.

Trong đó, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức đối với những lĩnh vực, công việc có liên quan trực tiếp với nhân dân.

Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng như tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện hàng năm, việc giám sát phản biện xã hội còn được thực hiện ở những lĩnh vực, công việc nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến nhân dân cũng như những vấn đề mà nhân dân bức xúc, quan tâm.

Hơn 3 năm qua, MTTQ và đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức tổng số 24.877 cuộc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó có 5.850 cuộc giám sát; có 3.626 cuộc phản biện xã hội và 15.401 cuộc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Qua đó đã tổ chức giám sát, phản biện nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế- xã hội; góp ý nhiều dự thảo chương trình, đề án xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Các ý kiến kiến nghị, góp ý sau giám sát, phản biện đều được các cấp, các ngành có liên quan xem xét, tiếp thu; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đơn vị đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

* Để công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, đồng chí có những đề xuất hay giải pháp gì trong việc thực hiện 2 quyết định này?

- Trong thời gian qua, việc lựa chọn nội dung, đối tượng, phương thức giám sát một số nơi chưa thật phù hợp, đối tượng giám sát chỉ mới tập trung chủ yếu vẫn là các cơ quan, tổ chức.

Việc thực hiện giám sát đối với cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước chưa nhiều, nhất là việc góp ý đối với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền còn tâm lý ngại va chạm, nể nang. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức chưa chủ động yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội phản biện, góp ý cho các văn bản dự thảo…

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, cơ sở, trong thời gian tới, tôi cho rằng, các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 2 quyết định này thực sự đi vào chiều sâu.

Theo đó, Bộ Chính trị cần có chủ trương chỉ đạo cụ thể hơn trong việc giám sát đối với cá nhân, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, hướng dẫn phù hợp trong thực hiện giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Có cơ chế, chủ trương cụ thể để MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện thêm chức năng “kiểm tra” nói chung và “kiểm tra” đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nói riêng.

Và để MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện đúng chức năng “kiểm tra” thì Quốc hội, Chính phủ cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các văn bản pháp luật thống nhất, đồng bộ.

Ngoài ra, đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội (chủ thể giám sát), để đảm bảo có đủ năng lực, khả năng giám sát với các đối tượng trên thì cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và trang bị các kiến thức, kỹ năng về công tác Đảng, công tác chính quyền…

Trong quá trình giám sát chủ thể giám sát không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng. Chịu trách nhiệm về những nội dung, kết quả giám sát đối với các tổ chức và cá nhân giám sát và các quy định của Đảng và Nhà nước.

Song song đó, bản thân các đối tượng giám sát phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát. Chấp hành các yêu cầu, quyết định của chủ thể giám sát.

Cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản, tài liệu có liên quan khi chủ thể giám sát yêu cầu; thực hiện quyết định, thông báo, tiếp thu việc nhắc nhở, các đề nghị hoặc yêu cầu của chủ thể giám sát. Không được gây khó khăn, trở ngại; không được từ chối khi có yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; không để lộ, lọt bí mật nội dung giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm.

* Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trao đổi các nội dung trên!

THANH TÂM (thực hiện)