Cần lựa chọn chủ đề, thời điểm giám sát thích hợp phục vụ cho chủ trương của Đảng

Cập nhật, 08:12, Thứ Tư, 24/05/2017 (GMT+7)

Ngày 23/5/2017, trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, các đoàn đại biểu Quốc hội chia tổ thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận. 

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh

Về chương trình giám sát của Quốc hội 2018, tôi hoàn toàn đồng ý, tuy nhiên tôi cho rằng cần lựa chọn chủ đề giám sát và thời điểm giám sát một cách phù hợp để ngoài việc phục vụ cho đại biểu Quốc hội còn phục vụ cho những chủ trương mà Trung ương sẽ bàn và đưa ra trong thời điểm đó.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Do đó, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định tiêu chí lựa chọn chủ đề cũng như thời điểm giám sát và kết quả giám sát để phục vụ cho những yêu cầu lớn hơn của đất nước.

Tôi ví dụ như năm 2017 có chuyên đề giám sát đầu tư khai thác công trình giao thông, theo báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước, liên quan đến những công trình BOT thì bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại, hạn chế nhiều.

Như vậy, để phục vụ cho đại biểu Quốc hội tham gia đánh giá về kinh tế- xã hội, trong đó có chủ trương đầu tư khai thác công trình giao thông… nếu có kết quả giám sát kịp thời sẽ giúp cho các vị đại biểu có nhiều ý kiến sâu hơn và quan trọng nhất là sau đó ra nghị quyết hoặc những giải pháp kịp thời để tháo gỡ hiệu quả hơn.

Đại biểu Trần Văn Rón

Thời gian qua, tôi đánh giá cao vai trò giám sát của Quốc hội. Các vấn đề giám sát tối cao đều là những vấn đề bức xúc và được sự quan tâm của đông đảo cử tri, người dân.

Về chủ đề giám sát năm 2018, tôi nhất trí chọn chủ đề là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội.

Đại biểu Trần Văn Rón.
Đại biểu Trần Văn Rón.

Bởi lẽ, chủ đề này liên quan đến nhiều vần đề như việc xử lý nợ công, nợ Chính phủ… Chủ đề thứ hai tôi cho là nên giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, chúng ta thực hiện khá tốt chính sách này, tuy nhiên trong một số thời điểm, việc thực hiện chính sách này còn một số vấn đề nào đó mà chúng ta phải quan tâm thêm.

Nếu có thêm ưu tiên nữa, tôi chọn việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đây là vấn đề lớn hiện nay, chúng ta nói rằng doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nhưng thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ quá nhiều như vậy có còn chủ đạo nữa hay không. Do đó, rất cần thiết đưa vấn đề này vào việc giám sát tối cao trong năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tôi cho rằng cần đưa 2 dự án Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục vào chương trình ban hành luật.

Bởi lẽ, so với Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 29 của Quốc hội về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có những vấn đề bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh.

Hiện nay, Luật Giáo dục nghề nghiệp có rồi, như vậy rất cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học và ban hành Luật Giáo dục để bảo đảm tính đồng bộ.

Nếu chúng ta sửa đổi Luật Giáo dục đại học không mà không sửa Luật Giáo dục thì không tạo được một khung chung, như thế khó mà tạo được một nền tảng vững chắc cho phát triển GD-ĐT.

Điều tôi quan tâm nữa là Luật Giáo dục cũ nói về chế độ chính sách chỉ có một chương nhỏ, trong đó chỉ có chế độ cho nhà giáo mà không nói gì đến cán bộ quản lý hết, hiện nay nếu như đưa giáo viên về phòng GD- ĐT, sở GD- ĐT thì không còn phụ cấp thâm niên, mất phụ cấp đứng lớp nên nhiều người rất tâm tư.

Về giám sát, tôi đề nghị Quốc hội cần có chuyên đề giám sát về chế độ chính sách của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, đặc biệt từ mầm non đến phổ thông. Bởi vì nếu chúng ta không giám sát vấn đề này thì khó đánh giá hết thực trạng để có thể thực hiện tốt đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

TÂM- THI (ghi)