Nâng cao hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính

Cập nhật, 06:36, Thứ Năm, 20/04/2017 (GMT+7)

Sau một thời gian triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông đồng bộ từ huyện- thị- thành đến các xã- phường- thị trấn đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt các phiền hà cũng như tăng sự hài lòng của người dân.

Mô hình một cửa, một cửa liên thông đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt các phiền hà cũng như tăng sự hài lòng của người dân.
Mô hình một cửa, một cửa liên thông đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt các phiền hà cũng như tăng sự hài lòng của người dân.

 

Thủ tục nhanh chóng, tiện lợi

Ông Lê Văn Nhành (ấp Phước Thới B, xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết: “Trước đây, tôi tốn rất nhiều thời gian khi đi làm thủ tục giấy tờ nhà đất vì phải đi lại nhiều lần làm các thủ tục đăng ký, lấy giấy hẹn trả kết quả... Còn hiện nay, khi đến làm việc thì tôi chỉ nộp hồ sơ cho bộ phận một cửa, cán bộ hẹn ngày lấy nên rất thuận tiện, đặc biệt rút ngắn thời gian đáng kể”.

Cùng đến giải quyết công việc như ông Nhành, ông Lê Minh Hậu bày tỏ: “Tôi thấy từ khi triển khai mô hình này rất thuận tiện cho người dân chúng tôi. Thủ tục giải quyết nhanh chóng. Cán bộ nhiệt tình, niềm nở, hướng dẫn chu đáo. Cái nào mình thiếu thì hướng dẫn bổ sung liền, không như trước kia phải đi lại nhiều lần rất mất thời gian”.

Mô hình một cửa, một cửa liên thông từ khi triển khai đến nay đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân. Điểm nổi bật của mô hình này là xử lý công việc trên hệ thống phần mềm và được triển khai áp dụng ở nhiều lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực, địa chính... Đây là những lĩnh vực mà nhân dân thường xuyên đến giải quyết hồ sơ.

Ông Võ Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Long An (Long Hồ)- cho biết, hiệu quả đầu tiên từ mô hình này là giảm phiền hà cho nhân dân, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Tình trạng chậm trễ hồ sơ được khắc phục, vì phải tuân thủ các bước, quy trình qua hệ thống phần mềm và được giám sát chặt chẽ.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Bình Phước (Mang Thít) cũng cho rằng, các thủ tục hành chính được dán công khai để người dân có thể tham khảo, nếu chưa hiểu rõ thì nhân viên bộ phận một cửa giải thích thêm để người dân có thể hoàn tất hồ sơ một cách đầy đủ.

Theo ghi nhận tại một số địa phương, thời gian tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, trong đó, lãnh đạo duy trì thường trực tại bộ phận một cửa để giải quyết kịp thời công việc khi có yêu cầu.

Công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được cải tiến đơn giản và nhanh gọn hơn. Hồ sơ được cán bộ chuyên môn tiếp nhận, phân loại và giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng pháp luật. Do đó, công dân có thể lấy kết quả ngay trong ngày đối với những hồ sơ đơn giản.

 

Theo ông Võ Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Long An (Long Hồ): Hiện nay vẫn còn tình trạng người dân vẫn còn trực tiếp gửi hồ sơ cho công chức chuyên môn tiếp nhận mà không qua cán bộ một cửa theo quy định. Sở dĩ người dân làm như vậy là do thói quen và tập quán vì có quen biết với cán bộ chuyên môn. Tới đây, nếu phát hiện trường hợp này sẽ hướng dẫn người dân đi đúng quy trình.

 

Cần tập huấn kỹ năng cho cán bộ một cửa

Có thể nói, sau một thời gian triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông đồng bộ từ huyện- thị- thành đến các xã- phường- thị trấn đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt các phiền hà cũng như tăng sự hài lòng của người dân.

Khi triển khai thực hiện mô hình này, tỉnh đã đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để các địa phương có thể triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít: Thực hiện cơ chế này, tính từ năm 2011 đến nay, hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận cấp huyện và các phòng ban có 34.024 hồ sơ và tất cả được giải quyết đúng hẹn trên các lĩnh vực đất đai, công thương, kinh doanh và môi trường…

 

Những trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc còn thiếu thì cán bộ tiếp nhận hướng dẫn tại chỗ để người dân bổ sung làm lại.

Cần nâng mức phụ cấp cho các cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, bởi vì họ làm việc giống như cán bộ chuyên trách.
Cần nâng mức phụ cấp cho các cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, bởi vì họ làm việc giống như cán bộ chuyên trách.

Ông Lê Phi Long- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết: Tại các xã- thị trấn thường bố trí từ 3- 5 cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa và việc bố trí nơi làm việc đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, thuận lợi cho người dân đến làm việc.

 

Đối với cấp huyện, đã triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng hiện đại tại UBND huyện. Huyện cũng đã vận hành thực hiện giải quyết 130/220 thủ tục hành chính, còn lại 90/220 thủ tục tiếp nhận và trả kết quả tại các phòng- ban huyện.

Theo nhiều địa phương, để có thể vận hành tốt cơ chế một cửa, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho đồng bộ thì điều quan trọng nhất là con người để thực hiện công việc đó.

 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Phước Ngô Hùng Nhân cho rằng, tỉnh cần thường xuyên tập huấn kỹ năng tiếp xúc với dân cho các nhân viên bộ phận một cửa. Theo đó, họ rất cần trang bị những kỹ năng như phong cách làm việc chuyên nghiệp, thái độ tiếp dân đúng mực, nhiệt tình giải quyết công việc với trách nhiệm cao… để tạo được sự tin tưởng và gần gũi với nhân dân.

 

Ngoài ra, cần nâng mức phụ cấp cho các cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, bởi vì họ làm việc giống như nhau (cán bộ chuyên trách), thậm chí có người nhiều việc nhưng chế độ ít hơn nên vẫn còn nhiều người “tâm tư” lắm.

 

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tính đến nay các sở ngành tỉnh, 8/8 đơn vị cấp huyện, 109/109 xã- phường- thị trấn đã áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Ngoài ra, một số ngành tổ chức chuyển phát kết quả hồ sơ cho người dân; gửi thông tin về quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư; hiện có 8/8 đơn vị cấp huyện đưa vào vận hành bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

™Bài, ảnh: BÙI THANH