Để xảy ra tham nhũng, phải đánh giá năng lực Bí thư, Chủ tịch tỉnh

Cập nhật, 10:47, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

Địa phương nào để tình trạng tham nhũng xảy ra nhiều thì phải đánh giá tư cách và năng lực Bí thư, Chủ tịch tỉnh.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Pham Trọng Đạt
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Pham Trọng Đạt

Theo kết quả thực hiện Dự án thí điểm bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 (PACA 2016) vừa được công bố mới đây, điểm số trung bình của cả nước về phòng chống tham nhũng là 58,11%.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt, đồng thời là tổ trưởng tổ công tác triển khai dự án, cho rằng, điểm số phản ánh một cách khá trung thực về chỉ đạo, nhận thức, tuyên truyền của chính quyền các địa phương trong phòng chống tham nhũng cũng như cảm nhận của người dân đối với công tác này. 

Không phát hiện sai phạm khi 564.000 cán bộ tỉnh kê khai tài sản

Ông Phạm Trọng Đạt cũng cho biết, nhiều chỉ số đánh giá cho thấy các địa phương chưa đạt yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng đề ra.

Dẫn chứng bằng việc kê khai tài sản thu nhập, theo ông Đạt, năm 2015, có trên 564.000 cán bộ ở cấp tỉnh phải kê khai, nhưng các địa phương không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Hay việc kiểm tra thực hiện các quy định về nộp lại quà tặng và tặng quà, quá trình thanh tra, kiểm tra cũng không phát hiện sai phạm.

Cả nước có duy nhất UBND tỉnh An Giang phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong việc trích tiền ngân sách mua quà tặng trị giá 1,2 triệu đồng. Ông Đạt cũng cho rằng đây là nội dung kém nhất trong việc phòng ngừa tham nhũng.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho rằng, các địa phương sẽ phải “tâm phục khẩu phục” bởi đây là kết quả do các địa phương tự đánh giá, tự chấm điểm dựa trên bộ công cụ đánh giá. Từ kết quả đánh giá có thể thấy địa phương nào có sự quan tâm đúng mức đối với công tác phòng chống tham nhũng thì điểm số sẽ cao và ngược lại.

Không chỉ phán ánh đúng thực trạng công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, kết quả của bộ chỉ số còn cho thấy có sự tương đồng với một số chỉ tiêu đánh giá khác có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, như chỉ số cải cách (PAR-Index) do Bộ Nội vụ công bố, chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố…

Là địa phương có số điểm cao nhất (77,67 điểm), tuy nhiên, ông Hoàng Công Phái, Phó Chánh thanh tra tỉnh Lào Cai vẫn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương còn chưa thực chất, nhất là trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng tại chỗ.

Ông Phái cho rằng, để giải quyết thực tế này, tới đây cần phải sửa đổi chính sách cho phù hợp. Địa phương cũng cần rút kinh nghiệm để có những giải pháp, trên cơ sở đó để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện được sát hơn.

Lấy hiệu quả chống tham nhũng để “đo” năng lực lãnh đạo

Là năm đầu thực hiện và kết quả cho thấy khá sát với thực trạng công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, ông Phạm Trọng Đạt, cho rằng bộ chỉ số PACA 2016 áp dụng phương pháp đánh giá dựa trên bằng chứng, là một sự thay đổi rất tiến bộ so với các phương pháp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng trước đây đã được áp dụng tại Việt Nam. Đây sẽ là hướng đi đúng đắn và thích hợp ở Việt Nam.

Theo ông Phạm Trọng Đạt, Chỉ thị 50 của Đảng lấy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng để đánh giá tư cách, năng lực của lãnh đạo.

Như vậy, địa phương nào để tình trạng tham nhũng xảy ra nhiều thì phải đánh giá tư cách và năng lực Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Muốn vậy, cần phải có bộ công cụ đánh giá một cách thiết thực, khách quan và phải được quy định bắt buộc.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, hướng tới thúc đẩy sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tham nhũng để “ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng là yêu cầu cấp thiết.

Việc đo lường tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng là nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng.

Ông Thanh khẳng định, việc triển khai thí điểm đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên bộ chỉ số PACA 2016 cũng là tiền đề xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp huyện, các bộ chỉ số tại các bộ, ngành… từ đó hình thành Bộ công cụ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

Công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh có vai trò quan trọng để xây dựng một nền quản trị liêm chính, và điều này cần được thực hiện từ cơ sở.

Do vậy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ở địa phương được triệt để đang là yêu cầu cấp thiết. Muốn vậy, thì cần có những giải pháp tổng thể bắt đầu từ khâu rà soát nhằm đánh giá đúng thực tế, qua đó, phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu để giúp địa phương từng bước khắc phục hạn chế, giúp công tác phòng chống tham nhũng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Theo Hằng Hà/VOV.VN