Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907- 9/2/2017)

Người nắm chìa khóa của công cuộc đổi mới từ Đại hội VI

Cập nhật, 06:07, Thứ Ba, 07/02/2017 (GMT+7)
Tháng 2/2017, đúng 110 năm ngày sinh đồng chí Đặng Xuân Khu, tên thật của đồng chí Trường Chinh- bút danh Sóng Hồng, với những khúc thơ chiến đấu mà ai đọc rồi khó quên được.
Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh.
Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh.

Gương sáng cuộc đời người cộng sản- nhà thơ Sóng Hồng

Đồng chí Trường Chinh sinh ngày 9/2/1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định).

Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. 

Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên- một tổ chức tiền thân của Đảng ta. Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm đó, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La. Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do.

Từ cuối năm 1936- 1939, đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ; năm 1940, đồng chí là chủ bút báo “Giải Phóng” thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được cử vào BCH Trung ương Đảng.

Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn kiêm chủ bút báo “Cờ Giải Phóng” và “Tạp chí Cộng sản”- cơ quan Trung ương của Đảng- Trưởng Ban Công vận Trung ương.

Tháng 8/1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương, là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cho đến tháng 10/1956.

Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ở đại hội này, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng Ban Lý luận Trung ương. Năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V, VI, VII. Từ khóa II đến khóa VI, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 7/1986, tại Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương Đảng, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 12/1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn BCH Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.

Tổng Bí thư của Đảng vào những thời điểm đặc biệt

Tổng Bí thư Trường Chinh (giữa) và gia đình. Ảnh: Internet
Tổng Bí thư Trường Chinh (giữa) và gia đình. Ảnh: Internet

Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng vào 2 thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Lần 1, vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần 2 vào tháng 7/1986 khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời ngay trước Đại hội VI, 5 tháng).

Đồng chí là một nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là “Tổng Bí thư của đổi mới”.

Đó là thời điểm thật ngặt nghèo của đất nước; khi cả nước lâm vào khủng hoảng kinh tế- xã hội; nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả.

Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Bao vấn đề gay gắt khiến không ít đảng viên, nhân dân băn khoăn, lo lắng.

Trước tình hình đó, đồng chí trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, phải dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân.

Thực tiễn cuộc sống đã hoàn toàn xác thực điều đó. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí: “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn” sẽ còn vang mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào.

Nghĩ là làm, cuối tháng 11/1982, đồng chí Trường Chinh đã quyết định 2 việc lớn:

Thứ nhất, thành lập một nhóm gồm những trí thức, nhà khoa học... có tư duy đổi mới (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng Bí thư) để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Nhóm đã thảo luận nhiều vấn đề trọng đại và nóng bỏng của đất nước khi đó như: Vấn đề 1 giá hay 2 giá, kinh tế nhiều thành phần, quan điểm cơ cấu đầu tư... một cách dân chủ và cởi mở nhất.

Thứ hai, tổ chức đi thực tế ở các địa phương, tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh- thành từ miền Nam, ra miền Trung, về miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, đồng chí đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình.

 Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9... đã gây tiếng vang trong cả nước và người dân chuyền tay nhau đọc.

Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được thì lúc này, những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ. 

Chúng ta có thể nhận thấy quá trình hình thành tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh không phải là tự nhiên mà có, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới. Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà đổi mới, đó chính là đồng chí Trường Chinh.

Đồng chí đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi tác, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Nhận trọng trách Tổng Bí thư ở tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, đồng chí đã cố gắng nỗ lực từng giờ từng phút, vượt qua bao thử thách, chông gai, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao gian truân đến thắng lợi như hôm nay.

Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta- sự khởi đầu cho hành trình quá trình đổi mới của Đảng, và từ đây người kế tục Tổng Bí thư Trường Chinh là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng tin tưởng, dấy ngọn cờ mà toàn Đảng, toàn dân ta đi vào một kỷ nguyên mới, làm nên nhiều thắng lợi của đất nước Việt Nam như hôm nay.

Tổng Bí thư Trường Chinh từ trần ngày 30/9/1988 tại Hà Nội

Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân- huy chương cao quý khác. Các nước bè bạn anh em cũng đánh giá công lao to lớn và đã tặng Tổng Bí thư Trường Chinh nhiều phần thưởng cao quý; như Đảng Cộng sản Liên Xô (ngày 6/10/1988) đánh giá: Đồng chí Trường Chinh “nhà cách mạng kiên định, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, người chiến sĩ suốt đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Liên Xô”. Trong mắt bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư Trường Chinh là ngọn hải đăng, đã dẫn dắt nhiều chủ trương lớn của cách mạng Việt Nam đi vào tầm lịch sử quốc tế và cả cuộc đời mình cho non sông nước Việt anh hùng hôm nay.

ThS. PHẠM BÁ NHIỄU (TP Hồ Chí Minh)