Hoàn thành 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội

Cập nhật, 06:21, Thứ Năm, 19/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) của tỉnh, ngành lao động- thương binh và xã hội (LĐ- TB và XH) tập trung triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Nổi bật là hoàn thành 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội về tuyển sinh dạy nghề, tạo việc làm mới, vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo.

Năm 2016, Vĩnh Long tạo việc làm mới cho 27.655 người. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú.
Năm 2016, Vĩnh Long tạo việc làm mới cho 27.655 người. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Nỗ lực tạo việc làm cho người lao động, chăm lo người nghèo

Trên cơ sở đào tạo nghề, trong năm 2016, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 27.600 lao động (LĐ). Đây là kết quả từ sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề và giới thiệu làm cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nhân sự.

Điều đáng ghi nhận là sàn giao dịch việc làm của tỉnh đã phát huy được hiệu quả, thu hút 791 lượt doanh nghiệp và trên 710.000 lượt người tham gia tìm hiểu thị trường LĐ, trong đó có trên 1.000 LĐ được tuyển dụng tại đây. 

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ và chính quyền các địa phương cộng với sự hỗ trợ tích cực của ngành, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh đạt kết quả cao nhằm góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập.

Năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 348 lớp đào tạo nghề cho hơn 8.280 lao động nông thôn, đạt trên 165% kế hoạch.

Do thực hiện chủ trương đề án giai đoạn 2016- 2020, chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường LĐ và tập trung chủ yếu đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và tạo nguồn xuất khẩu LĐ, do đó hiệu quả giải quyết việc làm trong năm nay đạt 87,9% cao hơn kết quả thực hiện giai đoạn 2010- 2015.

Chị Nguyễn Thị Bé (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) cho biết: “Trước đây tui làm ruộng, tranh thủ rảnh, tôi đan lục bình, hàng nhiều, có tháng cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng, thu nhập cũng đỡ cho gia đình”.

Từ nguồn kinh phí tài trợ là 63,68 tỷ đồng của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, trong 2 năm 2016- 2017, Vĩnh Long có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 1.592 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Riêng năm 2016, xây mới 783 căn, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Nhiều năm qua, phải tiện tặn lắm bà Thạch Thị Nở (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) mới có thể nuôi 2 đứa con học hành tới nơi tới chốn.

Chính vì vậy, gia đình bà rất vui khi được hỗ trợ cất nhà mới. Bà tâm sự: “Mừng quá trời luôn, hổng ngờ có ngày cất được căn nhà đẹp này. Tết được ở nhà mới, thích lắm. Cám ơn Nhà nước quan tâm đến hộ dân tộc nghèo ”.

Tập trung phát triển thị trường LĐ

Trong năm qua, tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu LĐ.

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành Nghị quyết về chính sách cho vay hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020 nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ ban đầu cho người LĐ có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mở rộng cho tất cả các đối tượng người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn.

Tỉnh đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người LĐ của tỉnh; tăng cường thu hút các doanh nghiệp, đối tác tham gia hoạt động xuất khẩu LĐ trên địa bàn tỉnh. Trong năm, đã có 714 LĐ của tỉnh tham gia xuất khẩu LĐ, đạt 119% kế hoạch.

Lao động tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại ngày hội việc làm Trường CĐ Kinh tế- Tài chính.
Lao động tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại ngày hội việc làm Trường CĐ Kinh tế- Tài chính.

Trong năm 2017, ngành LĐ- TB- XH phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu chủ yếu: tuyển sinh đào tạo nghề cho 27.000 người; góp phần nâng tỷ lệ LĐ có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 63%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 41%; tạo việc làm mới cho 19.000 LĐ.

Đồng thời, đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 700 người; triển khai, phối hợp vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa của toàn tỉnh đạt trên 4 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%, tương đương 2.788 hộ thoát nghèo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau: tập trung phát triển thị trường LĐ, mở rộng, tạo cơ hội để người LĐ có việc làm; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường LĐ, nhất là cho xuất khẩu LĐ, cung ứng LĐ cho các khu công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu LĐ ở nông thôn.

Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng; chú trọng tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chính sách đặc thù về hỗ trợ sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội; đẩy mạnh kêu gọi, vận động sự trợ giúp của xã hội cho các đối tượng yếu thế góp phần đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh: Trước mắt, ngành tập trung nhiệm vụ chăm lo tết cho gia đình chính sách, người nghèo.

Tập trung nâng cao chất lượng công tác điều tra, nhu cầu của thị trường LĐ, thực hiện các giải pháp phân luồng học sinh, định hướng học nghề, tìm việc cho người LĐ, góp phần đảm bảo sự hài hòa giữa cung- cầu LĐ.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài; thêm nhiều mô hình, giải pháp đồng bộ để giảm nghèo trong đồng bào dân tộc;…

 

Năm qua, ngành đã hoàn thành vượt kế hoạch 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội được tỉnh giao, đó là tuyển sinh dạy nghề cho trên 35.600 người, đạt 115,43% chỉ tiêu kế hoạch được giao, qua đó góp phần nâng tỷ lệ LĐ có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 60,74%, vượt 0,74%; tạo việc làm mới cho 27.655 LĐ, đạt 145,55% kế hoạch; triển khai, phối hợp vận động đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong toàn tỉnh được gần 5,7 tỷ đồng, đạt 142,4% kế hoạch; giảm 1,49% tỷ lệ hộ nghèo, vượt 0,49%. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh còn 13.229 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,77% trên tổng số hộ dân; hộ cận nghèo còn 12.602 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54% trên tổng số hộ dân.

 

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN