Đề nghị bổ sung thêm quy định về quản lý lễ tân, khánh tiết, an toàn vệ sinh thực phẩm... vào luật

Cập nhật, 15:46, Thứ Tư, 09/11/2016 (GMT+7)

Ngày 8/11, tham gia đóng góp cho dự án Luật Du lịch (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần quan tâm nhiều vấn đề về điều kiện được công nhận là khu du lịch cấp quốc gia, việc tiếp nhận kiến nghị của du khách, về khai thác thêm tiềm năng, thế mạnh của du lịch…

* Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Ngọc Thịnh

Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh, trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.

Tại điều 5 về chính sách phát triển du lịch, tôi không thấy đề cấp đến du lịch sinh thái và du lịch biển đảo, trong khi biển đảo, sinh thái nước ta rất đẹp và cần được khai thác phát triển. Do đó, đề nghị luật cần quy định có chính sách ưu đãi về việc đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, biển đảo.

Ngoài ra, hiện nay các công ty du lịch đều thiếu hướng dẫn viên du lịch, trong khi đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Do vậy, tôi đề nghị luật cần quy định về số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn hướng dẫn viên của các công ty trong kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo, hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đây là đội ngũ rất quan trọng nhưng hiện rất thiếu và yếu.  

* Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công

Dự thảo Luật Du lịch lần này đã cụ thể hóa nhiều nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia du lịch.

Đóng góp thêm cho dự án luật này, tại khoản 2 điều 15 quy định giao cho UBND cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn theo tôi là chưa hợp lý. Đề nghị, nên giao cho UBND cấp huyện nơi khu du lịch đóng trên địa bàn nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp cần thiết và cấp bách.

Tại khoản 5 điều 24, có quy định về điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia phải có khả năng tiếp nhận 500.000 khách du lịch mỗi năm, trong khi Luật Du lịch năm 2005 chỉ quy định có 100.000 khách mỗi năm.

Việc quy định như trên rất khó thực hiện, do đó đề nghị ban soạn thảo nên quy định tối thiểu 300.000 khách mỗi năm thì đủ điều kiện được công nhận là khu du lịch cấp quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các khu du lịch phát triển.

Tại điều 30, đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định nội dung về quản lý lễ tân, khánh tiết, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ nhằm giúp cho hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả.

TÂM- HUỲNH (ghi)