Tiếp tục triển khai thực hiện nhanh đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững

Cập nhật, 09:37, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Một năm 2015 đã đi qua, mặc dù có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như cả nước, Vĩnh Long vẫn có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Trước thềm năm mới, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh về những yếu tố để đóng góp vào sự thành công đó cũng như những giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2016.

 

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang
Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang

Thưa ông, năm 2015, trước những khó khăn chung của kinh tế thế giới, cũng như cả nước, Vĩnh Long vẫn có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng để tỉnh đạt được những thành tựu nêu trên?

- Một trong những yếu tố đạt được kết quả nổi bật trong năm 2015 là trước hết, Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách và chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước, trong đó có Vĩnh Long. Sự lãnh đạo sâu sát, quyết tâm của Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng các cấp; sự giám sát, phối hợp tích cực của HĐND, MTTQ Việt Nam tỉnh.

Sự điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao của các cấp, các ngành trong tỉnh. Riêng đối với UBND tỉnh, đã cụ thể hóa kịp thời các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ; chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND. Tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2015.

Trong đó: tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt là trong triển khai các dự án đầu tư; tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo; an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.

Chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, mô hình một cửa liên thông hiện đại; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công; xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ ở các ngành, các cấp.

Đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của những người trực tiếp sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nỗ lực quyết tâm vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo tổ chức sản xuất kinh doanh góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thưa ông, trong năm 2016 cũng như cả nhiệm kỳ 2015- 2020, Vĩnh Long vẫn xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Ông có thể cho biết những giải pháp cơ bản để thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và gắn kết giữa chế biến và tiêu thụ như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra?

- Về giải pháp, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực nông thôn; hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên đầu tư cho các công trình thủy lợi đa mục tiêu gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, sẽ khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng và tăng cường thu hút doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn; từng bước hình thành các mô hình sản xuất tập trung gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp chế biến và đẩy mạnh thương mại- dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn.

Vào vụ mới. Ảnh: Dương Thu
Vào vụ mới. Ảnh: Dương Thu

Từ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thì khâu nào là khâu hành động đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2016- 2020. Để phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực, theo ông, cần có tư duy mới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hay không. Nếu có thì tư duy đó là như thế nào?

- Đối với các khâu đột phá, tỉnh sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá. Thứ nhất, phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững. Thứ hai, tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng có hiệu quả, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa tích cực đến thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh thương mại- dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được, ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm nhất sẽ tập trung thực hiện trong năm 2016?

PGS.TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng cho các tân thạc sĩ.
PGS.TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng cho các tân thạc sĩ.

- Trong năm 2016, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhanh đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020” gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó mũi nhọn đột phá là phát triển cây ăn trái đặc sản đã có thương hiệu của tỉnh, khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy đặc sản nước ngọt, đa dạng hóa các đối tượng thủy sản; mở rộng diện tích cánh đồng lớn.

Tăng cường công tác xúc tiến, khuyến khích mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến các mặt hàng rau củ quả, mặt hàng thủy sản.

Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn II, Khu công nghiệp Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

Tiếp tục khảo sát nắm tình hình khó khăn của doanh nghiệp, xác định rõ những lĩnh vực khó khăn, cấp giải quyết,... để tập trung tháo gỡ, nhất là các lĩnh vực về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, về đầu tư xây dựng, thuế, tín dụng, thị trường tiêu thụ,... thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, Chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngoài ra, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển hợp tác xã, củng cố, khắc phục những yếu kém của các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Tập trung củng cố, phát triển các làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, phát triển du lịch và tăng giá trị sản xuất của ngành.

Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành thương mại và du lịch, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác động hỗ trợ phát triển sản xuất. Triển khai thực hiện đề án của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai thực hiện nhanh đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững
Trong năm 2016, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhanh đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020” gắn với xây dựng nông thôn mới.

Triển khai dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020, các đề án phát triển ngành hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tiếp tục cải thiện, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, chú trọng thu hút và mời gọi đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, dự án mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Song song đó, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa- xã hội; phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73%.

Tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát nắm tình hình khó khăn của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực  về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thuế, tín dụng,... Ảnh: Thanh Tâm
Tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát nắm tình hình khó khăn của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thuế, tín dụng,... Ảnh: Thanh Tâm

Tập trung xây dựng nhà ở cho hộ nghèo dân tộc Khmer và sửa chữa nhà ở cho hộ chính sách khó khăn về nhà ở; nâng tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ 60% lên 65%. Quan tâm thực hiện công tác đối ngoại, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các loại tội phạm, phòng chống ma túy, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Vĩnh Long!

THANH TÂM (Thực hiện)