Nêu gương sáng, làm điểm tựa niềm tin

Cập nhật, 06:53, Thứ Ba, 03/02/2015 (GMT+7)


Chú Sáu Ức và cô Hồng Thu ôn lại những ngày không thể nào quên, qua cuốn hồi ức “Người của đất” của chú.

Trong những ngày cả nước kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi có dịp tìm về một thời hoa đỏ của các cô, các chú cán bộ cao niên tuổi Đảng.

Một thời đấu tranh đầy gian khó, nhiều khi tưởng như cái chết cận kề, nhưng dưới sự dìu dắt của Đảng, đùm bọc chở che của đồng bào, đồng chí… các cô, các chú đã viết lên những trang sử hào hùng, lấp lánh tự hào của quê hương, dân tộc.

Vững bước dưới ngọn cờ Đảng, các cô, các chú mãi là tấm gương sáng kiên trung, là điểm tựa cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cách mạng oai hùng.

Vững bước dưới ngọn cờ Đảng

Xuất thân gia đình nhà nông nghèo, đông anh em, thời niên thiếu đã chứng kiến đời sống thống khổ của nhân dân: đói khổ, bệnh tật “sống chết phú thác cho trời”, phải mặc bằng bố tời, đầu tóc đầy rận chấy… Năm 1941, phát xít Nhật gom lúa gạo nuôi quân và làm chất đốt chạy máy đèn. Dân ta 1 cổ 2 tròng, đời sống quá cơ cực, miền Bắc đói, trong Nam bữa cháo bữa rau cầm cự qua ngày…

Trong bối cảnh đó, từ một học sinh nghèo trường làng, Hồ Minh Mẫn (Mười Mẫn) mới 15 tuổi đã sớm giác ngộ cách mạng, theo Việt Minh. Người đảng viên ấy nay đã hơn 65 tuổi Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy- lúc ấy đã nhận thức được đó là con đường duy nhất để giải phóng đất nước.

Chú Mười Mẫn nhớ lại: “Lòng yêu nước của chúng tôi được hun đúc từ thời thanh niên, thiếu niên quê tôi hát vang “Lên đàng”, “Thanh niên hành khúc”, “Sinh viên hành khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Tôi không những chứng kiến mà còn góp phần vào tiến trình lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Tháng 8/1948, tôi 20 tuổi và được công nhận đảng viên chính thức. Từ đây, tôi chiến đấu dưới lá cờ đỏ búa liềm”.

Lời giới thiệu cuốn sách hồi ức “Người mang án tử hình”, ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long, nói về chú Mười Mẫn: “Là cán bộ của Đảng hoạt động ở cơ sở xã, huyện, vùng địch kiểm soát đầy cam go. Ông đã trưởng thành trong thực tiễn suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ”.

Chú Mười Mẫn từng bị địch bắt, kết án tử hình đày ra Côn Đảo, từng chết đi sống lại nhưng luôn luôn giữ vững tinh thần vì nước vì dân.

Cũng xuất thân từ gia đình bần nông, ông Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, được xem là điển hình cho người nông dân yêu nước, những chiến sĩ cách mạng đứng lên từ thân phận người nô lệ, đi theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách phong kiến và thực dân, đế quốc. Sinh ra và lớn lên ở buổi bình minh của cách mạng Việt Nam, chú Sáu Ức sớm gia nhập Đội Nhi đồng cứu quốc từ năm 14 tuổi.

17 tuổi chính thức thoát ly gia đình đi làm cách mạng, 18 tuổi được kết nạp vào Đảng, 20 tuổi làm Chính trị viên xã đội, 24 tuổi là Huyện ủy viên Huyện ủy Trà Ôn và liền sau đó là Chính trị viên Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt- lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, tiền thân của Tiểu đoàn 857 anh hùng.

Gặp chúng tôi, chú Sáu Ức tự nhận “cấp rày chậm nhớ mau quên”, tuy vậy, dòng ký ức về những năm tháng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tuyên truyền vùng đồng bào có đạo vẫn nguyên vẹn. Chú Sáu Ức cho rằng đó là một công việc rất khó khăn, nhưng với tinh thần cùng ăn- cùng ở- cùng làm, đã chia sẻ cuộc sống với người dân bên bờ sông Hậu.

Cùng với Đảng bộ địa phương, lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo, xóa được hoài nghi, lấp được hố sâu chia cắt giữa tôn giáo và lực lượng kháng chiến. Đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đoàn kết cùng toàn dân đứng lên chống Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt thương mến, hết lòng đùm bọc, chở che, ở trong lòng dân rất an toàn, bao nhiêu lúa gạo đem ra nuôi cán bộ hết, thậm chí họ hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cán bộ- chiến sĩ. Và làm được điều đó, theo chú Sáu Ức, là vì Đảng luôn gắn bó với dân như máu thịt.

Chú Sáu Ức lúc ấy, với vai trò người lãnh đạo không chỉ làm xuất sắc công tác dân vận, mà còn vận dụng chủ trương một cách linh hoạt và sáng tạo, tiến công tiêu diệt kẻ thù, từng bước vượt qua khó khăn.

Đứng vào hàng ngũ, tiến bước dưới ngọn cờ Đảng, cô Đào Thị Biểu (Sáu Hòa)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh bảo rằng rất danh dự nhưng trách nhiệm lớn lao.

Tham gia Đội Thiếu nhi cứu quốc từ năm 12 tuổi, trải qua nhiều thử thách, trui rèn cô Sáu Hòa được kết nạp vào Đảng năm 22 tuổi. “Hồi ấy nguyện vọng được tham gia giải phóng dân tộc, quê hương mình thôi thúc thế hệ chúng tôi vô cùng mãnh liệt.

Chúng tôi đội nón lá, tự viết sau lưng áo “đả đảo Mỹ- Diệm”, dù kẻ thù có xé áo quăng hết, dù có vào sanh ra tử, vẫn không ngăn được khí thế hăng hái một lòng đi theo Đảng với một tư tưởng vững vàng, trong sáng”- cô Sáu Hòa bảo vậy.

Điểm tựa niềm tin

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, những bậc cao niên tuổi Đảng luôn quan tâm, giành cho các thế hệ đảng viên sự tin tưởng, kỳ vọng tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang.

Cô Sáu Hòa bảo rằng, hồi ấy cô đi tham gia cách mạng vì muốn góp sức giải phóng quê hương, trong đó có gia đình mình không còn chịu cảnh ly tán.

Trong kháng chiến, nhân dân là điểm tựa, cách mạng dựa vào dân mới đi tới thành công. Ngày nay, cô Sáu Hòa nói: “Đảng viên phải làm tròn nhiệm vụ để làm điểm tựa cho quần chúng, đảng viên phải là tấm gương để quần chúng phấn đấu noi theo”.

Cô Cao Thị Hồng Thu (vợ chú Sáu Ức) từng thoát ly gia đình gia nhập Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, làm giao liên bán khai, từ ký ức “hồi xưa người dân bảo bọc, dưỡng nuôi, cán bộ chiến sĩ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đi tới đâu dân mến dân thương tới đó. Dân tin tưởng giao nhà cho mấy cậu trông coi, nhà cửa, cỏ rác dọn dẹp sạch bóng hết”.

Cô Hồng Thu nhắn nhủ: “Đảng viên phải gần gũi dân. Nói sao cho dân nghe, nói phải đi đôi với làm. Phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, không xa rời dân. Tác phong, đạo đức phải chín chắn,
đàng hoàng”.

Chú Mười Mẫn cũng thiết tha: “Đảng viên phải có quần chúng, phải được quần chúng tín nhiệm, tiên phong trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì có ích nước lợi dân là đi, là làm. Sống hòa đồng, chan hòa cuộc sống với dân, xóm giềng”.

Xây dựng niềm tin với nhân dân, quần chúng, chú Sáu Ức bảo:

“Tôi mong muốn đảng viên, thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, tạo cho mình một lối sống lành mạnh, trong sạch. Sống bằng kết quả lao động, nguồn thu nhập chính đáng, không chạy theo đồng tiền phi pháp làm ảnh hưởng đạo đức, phẩm chất của mình.

Chúng ta là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, phải luôn giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa toàn thắng trên đất nước chúng ta”.

 

Chú Nguyễn Ký Ức:

 

Tôi thiết tha mong muốn thế hệ trẻ hôm nay ra sức rèn luyện, trui rèn bản lĩnh để xứng đáng thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Biết phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Để có cuộc sống hôm nay, biết bao cha ông đã không màng gian lao, hy sinh lập nên những chiếc công oai hùng.

Tôi nhớ một nhà sử học nói rằng: nếu không biết chiến công oai hùng của dân tộc thì mất nước là điều chắc chắn.

Nên tôi lo ngại khi học sinh ngày càng ít chú trọng môn Lịch sử. Thế hệ trẻ không chỉ phải am hiểu lịch sử dân tộc, mà còn phải là lực lượng tiên phong đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nên, truyền thống cách mạng, dân tộc phải được coi là một di sản vô giá cần trân trọng và phát huy.

Chú Hồ Minh Mẫn:

Tôi mong muốn khi không còn chiến tranh, xây dựng đất nước trong hòa bình, thế hệ đảng viên trẻ phải luôn luôn thực hiện cho được đường lối của Đảng để góp tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Muốn làm vậy, phải tiến hành bằng hành động cụ thể tại địa phương mình, với nhân dân mình. Luôn nhớ đảng viên là đầy tớ trung thành của dân, phải lấy dân làm gốc, lo cho dân làm mục tiêu hành động. Có như thế mới thực hiện được lý tưởng của mình.

Hồi ức “Người mang án tử hình” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long thực hiện, như một món quà của thế hệ trẻ hôm nay mừng thọ chú Mười Mẫn ở tuổi 85.

Cô Đào Thị Biểu:

 

Tôi rất mong mỗi đảng viên chính là một điểm tựa cho quần chúng. Đảng viên phải rèn luyện, gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực và phải coi mình là đầy tớ nhân dân, luôn thiết thân, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của bà con. Đảng viên cần được giáo dục phẩm chất đạo đức để làm tấm gương cho người dân noi theo, bởi theo một người đảng viên chính là theo Đảng.

Tôi mong muốn các tổ chức khơi dậy cho tuổi trẻ một sức sống cách mạng mãnh liệt, để trên cơ sở đó tuyển chọn những người ưu tú nhất bồi dưỡng, kết nạp Đảng

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC