THẢO LUẬN DỰ LUẬT HỘ TỊCH, dự LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Cập nhật, 06:58, Thứ Năm, 30/10/2014 (GMT+7)


Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiếu về 2 dự thảo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.

Liên quan đến việc cấp giấy khai sinh theo Luật Hộ tịch và thẻ căn cước công dân của Luật Căn cước công dân, trong phiên thảo luận tại hội trường vẫn còn có những luồng ý kiến trái chiều.

Đồng tình tiếp tục cấp giấy khai sinh

Về việc cấp hay không cấp giấy khai sinh tại Điều 16 và Điều 36, đại biểu (ĐB) Hồ Thị Thủy (đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị tiếp tục quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em, bởi vì trẻ em sau khi sinh có quyền đăng ký khai sinh.Việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hơn nữa giấy khai sinh là giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc làm các thủ tục tiếp theo và là văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý việc ra đời của công dân và làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.

Theo ĐB Hồ Thị Thủy, nếu quy định bỏ cấp giấy khai sinh nhưng lại quy định cấp trích lục hộ tịch khi đăng ký khai sinh cho người được khai sinh thì cũng không giảm bớt được thủ tục hành chính. Thực tế hiện nay khi thực hiện giao dịch với cơ quan đại diện của người nước ngoài ở Việt Nam, họ vẫn yêu cầu xuất trình giấy khai sinh để giải quyết những công việc liên quan đến con người.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Huỳnh Văn Tính (đơn vị tỉnh Tiền Giang) cho rằng, quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân, được Nhà nước ta công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo tinh thần của Hiến pháp.

Nếu bỏ việc cấp giấy khai sinh và thay thế bằng cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi thì sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam, khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
 
Trong bối cảnh hầu hết các nước được cấp giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh, vấn đề đó trở thành thông lệ quốc tế. Vì vậy, với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em, để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền của mình, do Công ước quy định.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (đơn vị tỉnh Bình Phước) đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho đến khi người đó đủ 14 tuổi. Thông tin này sẽ được chuyển về cơ sở dữ liệu quốc gia và tiếp tục cấp thẻ căn cước công dân khi người này đủ 14 tuổi.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, việc quy định chuyển giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện thực hiện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài thì nhiều ý kiến không đồng tình. Vì hiện nay năng lực, trình độ chuyên môn về công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài của đội ngũ cán bộ tư pháp ở đa số cấp huyện còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng núi, vùng xa.

Việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dịch thuật ở cấp huyện còn khó khăn, nhất là cộng tác viên dịch thuật các ngôn ngữ không phổ cập sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Nếu thực hiện được thì có thể phát sinh các chi phí do phải đi thuê dịch thuật ở nơi khác, ngoài địa phương gây khó khăn cho người dân và cơ quan thực hiện.

ĐB Nguyễn Minh Lâm (đơn vị tỉnh Long An) cho rằng, hiện nay trình độ khả năng cán bộ công chức làm công tác tư pháp, hộ tịch cấp huyện còn hạn chế, đặc biệt là yếu tố ngoại ngữ.
 
Do vậy, trong điều kiện chung của các địa phương, thực trạng trình độ của cán bộ tư pháp cấp huyện như hiện tại thì việc phân cấp thời điểm này là chưa phù hợp. Nên giữ như luật hiện hành là giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho Sở Tư pháp như thời gian qua.

Thực tế hiện nay phòng tư pháp cấp huyện chưa thực hiện được việc chứng thực chữ ký, người dịch trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng nước ngoài, do không có cộng tác viên dịch thuật ở cấp huyện.

Cần cân nhắc việc cấp thẻ căn cước công dân

Tuy đã tổ chức lấy ý kiến 2 lần nhưng việc cấp hay không cấp thẻ căn cước công dân vẫn còn có những ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo luật, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân có giá trị chứng minh về căn cước, số định danh cá nhân và các thông tin khác của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam và việc cấp thẻ căn cước được thực hiện từ lúc trẻ mới sinh ra cho đến dưới 14 tuổi.

Đa số đại biểu thảo luận tại hội trường đề nghị không nên cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, vì thông tin nhân dạng của công dân dưới 14 tuổi (khuôn mặt và vân tay) chưa ổn định.

ĐB Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nếu vậy khi trẻ mới sinh ra sẽ có 2 loại giấy tờ song song cùng tồn tại là giấy khai sinh theo Luật Hộ tịch và thẻ căn cước công dân theo luật này trong khi nội dung thông tin trên 2 loại thẻ này cũng tương tự nhau.

Theo tôi, khi trẻ mới sinh ra cho đến dưới 14 tuổi cũng không thể tự đi thực hiện các giao dịch ngoài xã hội mà cần phải có người lớn đi theo, do đó không cần thiết phải cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (đơn vị tỉnh Phú Yên) cho biết, có cần thiết bỏ ra 650 triệu đồng để cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi hay không (một thẻ căn cước công dân khoảng 30.000đ), vì đối tượng này còn nhỏ, giao dịch chủ yếu vẫn do bố mẹ làm.

Tôi đề nghị chỉ nên cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên, cùng với đó khi sinh ra trẻ sẽ được cấp giấy khai sinh và đến 14 tuổi thì cấp thẻ căn cước công dân.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (đơn vị tỉnh Bình Định) cho rằng, không nên gọi là thẻ căn cước công dân mà vẫn dùng tên cũ là chứng minh nhân dân để tránh xáo trộn, gây tốn kém không cần thiết.

Trái chiều với luồng ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân một lần đến suốt đời (đến khi 14 tuổi bổ sung hình ảnh) thì dễ quản lý hơn.

ĐB Ngô Thị Minh (đơn vị Quảng Ninh) giải thích, không cần cấp giấy khai sinh, vì điều đó không xâm phạm quyền khai sinh của trẻ em, do vậy thay vì cấp giấy khai sinh thì thể hiện trong thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, việc cấp thẻ căn cước công dân để thay thế các loại giấy tờ khác là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều nên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ phát phiếu tham khảo ý kiến của các ĐB Quốc hội trước khi chính thức trình Quốc hội thông qua 2 dự thảo luật này.

THANH TÂM