NHÂN NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM (15/10/1956- 15/10/2014)

Làm giàu bằng sức trẻ

Cập nhật, 06:28, Thứ Sáu, 17/10/2014 (GMT+7)

Với sức trẻ và ý chí vượt khó khăn, những thanh niên nông thôn đã mạnh dạn vươn lên, chí thú làm ăn, làm giàu cho bản thân gia đình và xã hội.


Anh Cao Minh Khánh cho biết, ổi Đài Loan cần chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh.

Có gan làm giàu

Là nhân viên Bưu điện xã Mỹ Lộc (Tam Bình), anh Nguyễn Tấn Nghĩa- Bí thư Chi đoàn Ấp 3B còn là một đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế với mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Gia đình anh Nguyễn Tấn Nghĩa có 2.000m2 vườn. Trước đây, đất vườn được anh trồng bưởi Năm Roi tuy cho trái khá nhưng giá thành bấp bênh.

“Vườn bưởi đang cho trái phà phà mà tôi đốn đem đi trồng thanh long đó”- anh Nguyễn Tấn Nghĩa nói. Giá cả đã bấp bênh lại hay bị dội chợ và hễ cứ trúng mùa là mất giá nên anh và cha quyết định thay đổi cây trồng khác.

Xem trên báo đài thấy được mô hình trồng thanh long hiệu quả ở Long An, anh Nghĩa và cha là chú Nguyễn Văn Bảo mạnh dạn sang đó học hỏi kinh nghiệm. “Đi qua bển mấy lần đặng học hỏi kinh nghiệm người ta rồi mới mua giống về làm”- chú Bảo cho biết.

Trồng thanh long ruột đỏ không tốn nhiều phân, thuốc nhưng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 50 triệu đồng cho 2 công, tương đương 200 gốc thanh long. Theo anh Nghĩa, quan trọng là khâu xử lý cho ra trái nghịch vụ.

Khoảng đầu tháng 10, anh Nghĩa bắt đầu tỉa cành và bón phân để cho cây ra bông. Anh cười giải thích thêm: “Thanh long ruột đỏ là cây cho trái quanh năm nhưng mà phải tránh mùa thuận thì mới có giá”.

Nhìn giàn thanh long chín đỏ au bên cạnh những trái xanh, bông lớn rồi bông nhỏ. Anh Nghĩa cho biết: “Vườn thanh long của tôi được xử lý để cho trái quanh năm, mùa nghịch, mùa tết thì để nhiều hơn”.
 
Để có trái thanh long to thì phải tỉa cành và lặt bỏ bớt những trái nhỏ để cây tập trung nuôi trái. Ngoài ra, anh Nghĩa còn bón thêm phân Kali, phân chuồng cho trái ngọt. Kinh nghiệm cho thanh long ra bông của anh là mùa nắng thì thúc phân cho cây ra trái, mùa mưa lạnh thì xông bóng đèn ban đêm cho cây.

Thanh Long cũng phải được tỉa cành rồi mới để bông, những nhánh già, thấp và ở sát trong cộc thường được bỏ bớt. Riêng cái bệnh phấn trắng thì “xịt thuốc không ăn thua” nên phải phòng từ đầu và nếu phát hiện nhánh nào bị phấn trắng thì lập tức cắt và tiêu hủy ngay.

Chỉ tay vào đám thanh long giống ngoài vườn, anh nói: “5 năm trước, tôi đã trồng thanh long. Lúc đó, xứ này chưa ai trồng thanh long nên tôi mới nghĩ đến chuyện bán giống và chỉ kinh nghiệm cho bà con”. Với 200 gốc thanh long, anh Nghĩa thu lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng/năm.

Làm giàu nhờ ổi Đài Loan

Theo chân anh Cao Minh Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn), chúng tôi tham quan vườn ổi Đài Loan đang độ thu hoạch, xum xuê trái. Anh Khánh nói:
 
“Tôi không nghĩ mình lại gắn bó với ruộng vườn và có kết quả như ngày nay”. Hoàn cảnh gia đình neo đơn nên khi học xong lớp 12, anh nghỉ học để phụ giúp gia đình. Thấy cha mẹ quanh năm vất vả làm ruộng nhưng thu nhập không cao, chàng trai trẻ này đã tự mình nghiên cứu, tìm tòi sách báo để tìm mô hình làm ăn hiệu quả. Và trồng ổi Đài Loan là quyết định của anh với mong muốn “đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên”.


Anh Nguyễn Tấn Nghĩa (bìa trái) bên vườn thanh long trĩu quả.

Anh cho biết: Thấy ổi Đài Loan dễ trồng nên anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng để đầu tư cho việc trồng ổi. Từ đó, anh bắt tay đào 4.000m2 ruộng lên liếp và chọn mua cây giống về trồng.

Và rồi những cây ổi xanh tốt dần dần được trồng lên thay chỗ cho diện tích trồng lúa không hiệu quả. Chỉ sau 5 tháng chăm sóc, vườn ổi đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với kết quả khả quan. Đến nay, sau gần 18 tháng anh đã thu nhập trên 165 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm, anh Khánh nói: “Đây là giống ổi mới, ít tốn phân bón, nhẹ công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp. Mặt khác, cây ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái cao, thu hoạch quanh năm và có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm”.

Theo anh, muốn ổi đạt chất lượng cao, cho trái to, ngọt cần phải bón phân kali và phân tiêu từ lúc mới ra hoa đến khi thu hoạch, đồng thời cắt đi những cành lá sát gốc nhằm tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái; khi trái to bằng ngón tay cái nên bao trái để hạn chế sâu bệnh.

Từ những kinh nghiệm của bản thân cộng với việc biết ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, nên vườn ổi của anh lúc nào cũng xanh tốt. Sắp tới, anh tiếp tục cải tạo 6.000m2 đất vườn còn lại để trồng tiếp giống ổi này. “Làm giàu không khó nếu như chúng ta có chí hướng phấn đấu, không nản lòng trước khó khăn”- anh Khánh nói quả quyết.

Theo anh Phan Văn Tuân- Bí thư Xã Đoàn Phú Lộc (Tam Bình) thì mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Tấn Nghĩa là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên nông thôn. Ngoài ra, xã Phú Lộc còn nhiều mô hình kinh tế khác: trồng màu trên đất ruộng, trồng ổi Đài Loan,…


Bài, ảnh: HUYỀN HUỆ