Đóa sen hồng giữa lòng dân

Cập nhật, 05:40, Thứ Bảy, 18/05/2013 (GMT+7)

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Người dân Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng, nên câu thơ lục bát của nhà thơ Bảo Định Giang đã gần như trở thành câu ca dao. Nhưng Đồng Tháp còn có một đóa sen hồng lung linh giữa lòng dân- cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đã sinh thành và dưỡng dục cho đất nước một vĩ nhân: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một tấm lòng son với nước non

Khu Di tích lịch sử- văn hóa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm cạnh chùa Hòa Long cách trung tâm TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chừng 1km, đây cũng là nơi an nghỉ của cụ.


Khu Di tích lịch sử- văn hóa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở TP Cao Lãnh thường có đông khách đến viếng và tham quan. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Trong khuôn viên 36.000m2, có một hồ sen hình ngôi sao năm cánh. Chính giữa hồ là một đài sen cách điệu, biểu tượng cho một đời thanh cao trong sạch của cụ.

Bên cạnh ngôi mộ bằng đá hoa cương là một đỉnh trầm thơm ngát. Một cánh sen cách điệu như tấm lòng Đồng Tháp che nắng che mưa cho phần mộ, bên trên tạc hình chín đầu rồng tượng trưng cho ĐBSCL.

Ở đây, nhìn đâu cũng thấy sen, bởi sen là biểu tượng cho sự thanh cao, lòng trong sáng và sen còn là biểu tượng của quê hương này- nơi mà cụ Phó bảng đã sống và cống hiến cho đến cuối đời.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) sinh năm Nhâm Tuất 1862, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 16. Năm 1906 bị buộc ra làm quan chức Thừa Biện Bộ Lễ, rồi Tri huyện Bình Khê (Bình Định).

Rất oán ghét bọn cường hào bức hiếp nông dân nên ông thường bênh vực họ, cũng vì vậy, ông bị triều đình cách chức vào năm 1910.

Năm 1911, ông vào Phan Thiết rồi đến Sài Gòn, cùng con trai là Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) xuống Mỹ Tho gặp Phan Chu Trinh. Ông đi khắp các tỉnh Nam Bộ và đôi lần sang tận Campuchia. Đến đâu ông cũng tìm cách quan hệ với những người yêu nước, chính trị phạm của các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân bị an trí, hoặc đang lẩn tránh mật thám Pháp…

Năm 1917, ông về Cao Lãnh, kết thân với nhiều nhà nho yêu nước trong đó có ông Lê Văn Đáng (Chánh nhất Đáng), Trần Bá Lê (Cả nhì Ngưu), gặp Võ Hoành (Cử Hoành). Ông Trần Bá Lê cất cho ông một gian nhà nhỏ để ông xem mạch cho toa và dạy nghề thuốc.

Đầu năm 1928, ông về ở hẳn Cao Lãnh. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cao Lãnh, đứng đầu là Phạm Hữu Lầu, cho người sắp xếp ông về ở nhà ông Năm Giáo.

Hàng ngày, ông đến tiệm thuốc Bắc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh xem mạch ra toa, người nghèo ông xem bệnh, hốt thuốc không lấy tiền. Cuối tháng 11/1929, ông lâm trọng bệnh và qua đời, được đồng bào Hòa An- Cao Lãnh chôn cất tử tế bên cạnh chùa Hòa Long (Phường 4- TP Cao Lãnh).

Trải qua chiến tranh, người dân Đồng Tháp vẫn luôn bảo vệ ngôi mộ cụ Phó bảng, kiên quyết không cho địch phá hoại. Từ ngày giải phóng miền Nam, sau nhiều lần được trùng tu, khu di tích khang trang đã trở thành nơi để người dân, tuổi trẻ quanh vùng đến để tri ân công lao một bậc chí sĩ luôn vì nước vì dân, và nhất là đã có công sinh dưỡng bậc vĩ nhân cho đất nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tưởng nhớ tiền nhân

Giờ đây, đến với Khu Di tích cụ Phó bảng còn là dịp để tìm hiểu thêm về cách sống của người Nam Bộ ở làng Hòa An xưa. Khu di tích thật sự là một điểm đến trang nghiêm, hoài cổ mà thân quen, gần gũi.

Không chỉ có mô hình ngôi nhà sàn Bác Hồ được dựng theo đúng kích cỡ tại Hà Nội, nhằm nhắc nhở các thế hệ luôn nhớ mãi về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, về bài học sống giản dị, một đời hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc; mà nơi đây còn được thiết kế rất đẹp nhiều ngôi nhà kiểu Nam Bộ xưa như nhà chữ Đinh, nhà chữ Bát, nhà hai gian hai chái cùng cách trang trí bày biện bàn ghế đều đúng theo phong cách đặc trưng của Nam Bộ.

Đây cũng là mô hình những ngôi nhà cụ Phó bảng đã từng ở trong những năm sống và làm việc tại Cao Lãnh.

Thử cảm giác “cầu cây lắt lẻo” đầy hào hứng. Ảnh: TRẦN PHƯƠNG


Đi trong Khu di tích mà như đang dạo bước vào một làng quê Nam Bộ. Có mái nhà soi bóng bên sông, những người phụ nữ khéo tay chằm lá, chiếc ghe bầu khẽ chòng chành. Có khoảnh sân kiệu nước và những chàng trai với thú chọi gà đậm chất miền Tây, mà mới nhìn qua bàn chân lấm lem bùn sình của hình nhân tưởng là người thật.

Có gian chái để khéo léo khoe nghề đan đát từ tre trúc, với nào rổ rá, sàng sịa, thúng nia… Có mảnh vườn trồng nào mía lau, liếp rau chen giàn đậu đũa. Có giàn bầu giàn mướp trái treo lủng lẳng gie xuống bờ ao, nơi có chiếc cầu bến nước và chiếc xuồng nhỏ còn gác mái dầm như ngóng đợi ai về…

Đoàn viên, thanh niên, nhi đồng cùng nghe câu chuyện về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Cao Huyền

Bạn Thái Anh- sinh viên Trường Đại học Cửu Long, cùng nhóm bạn thích thú chụp hình trước ngôi nhà gỗ, cho biết: “Cuối tuần tụi em qua đây chơi. Có bạn là “thổ địa” dẫn vô đây thích thiệt. Tới đây để tưởng nhớ cụ Phó bảng, người thầy thuốc, nhà Nho được dân làng yêu mến, còn được coi nhà cổ, nghề truyền thống của người dân”.

Khi đã đi hết một vòng khu làng cũ nghề xưa, nhóm bạn trẻ khác thi thố “coi ai có gan qua cầu gỗ” bắc qua cái ao nhỏ, nhưng cũng đủ tạo cảm giác “hú hồn hết trơn” đầy thích thú.

Và nếu “mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”, trong tầm mắt du khách lại xuất hiện khu mô hình nhà ở của người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười. Những nghệ nhân Đồng Tháp quả thật quá tài tình và cầu thị.

Từ những ngôi nhà cổ nguyên mẫu đến nhà mô hình đều được sắp đặt ấn tượng cho thấy sự chăm chút từng chi tiết đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Từ nhà sàn mái lá, bến nước cây cầu bắc lên nhà,… rất đặc trưng.

Thật sự xin dành một lời khen tặng cho Đồng Tháp- những người đã dành cho cụ Phó bảng không chỉ một nơi yên nghỉ, mà còn là nơi để người dân khắp chốn về đây tưởng nhớ cha ông, hiểu biết thêm về nếp sống, về văn hóa một góc miền Tây Nam Bộ.

Du lịch Đồng Tháp khá đa dạng. Dã ngoại tại Khu Di tích Xẻo Quít (Cao Lãnh), Gáo Giồng. Khám phá nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung,... Các di tích là cơ sở tín ngưỡng như đền thờ Trần Văn Năng, Đình An Phong, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường hay những di tích là nơi lưu niệm sự kiện, lưu niệm danh nhân và khảo cổ như Di tích Gò Tháp. Ngoài ra, du khách không thể bỏ qua làng hoa Sa Đéc, vườn quốc gia Tràm Chim.

PHƯƠNG NAM- TRẦN PHƯỚC