ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT KHOA HỌC- CÔNG NGHỆ (SỬA ĐỔI):

Để khắc phục bất cập trong hoạt động KH-CN

Cập nhật, 10:19, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)


Cơ chế về kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN thông thoáng hơn, khắc phục nhiều bất cập của các hoạt động KH-CN.
 

Tham gia đóng góp sửa đổi Dự thảo Luật Khoa học- Công nghệ (KH-CN), các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Vĩnh Long cùng lãnh đạo, chuyên gia một số sở, ngành có liên quan đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực- đặc biệt là việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn; chính sách đầu tư cho tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu KH-CN…

Luật KH-CN (sửa đổi) gồm 11 chương, 83 điều, dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế Luật KH-CN số 21/2000/QH10 ngày 9/6/2000. Điểm mới của dự thảo luật lần này là kế thừa những quy định của Luật KH-CN năm 2000 và bám sát quan điểm của Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH-CN.

Theo nhận định chung của các đại biểu, Dự thảo Luật KH-CN (sửa đổi) lần này có những nội dung mới, như đưa ra nhiều phương án để Quốc hội lựa chọn, một số cơ chế về kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN cũng thông thoáng, khắc phục nhiều bất cập hiện nay của các hoạt động KH-CN.

Góp ý cho dự thảo, bên cạnh một số ý kiến đề nghị cần điều chỉnh để chuẩn hóa các từ ngữ, rút gọn những ý trùng lắp, một số khác thì đi sâu vào những vấn đề còn “vướng” trong quá trình soạn thảo, thể hiện mong muốn Dự thảo Luật KH-CN sẽ hoàn thiện và dễ đi vào cuộc sống hơn.

Thạc sĩ Thái Văn Tào- Chánh Văn phòng Liên hiệp Các hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh nhận định, dự thảo vẫn còn một số quy định chưa rõ như: ở Điều 18, phương án 1, khoản 1 nêu: “Người làm công tác nghiên cứu KH-CN tại các tổ chức KH-CN và có chức danh quy định tại Điều 19 của luật này”, nhưng ở phương án 2: “Cá nhân hoạt động KH-CN là người, nhóm người thực hiện các hoạt động nghiên cứu KH, nghiên cứu KH và phát triển CN…”.

Do đó, nếu chọn phương án 2, khi không có quy định chức danh KH thì Điều 19 có cần thiết nữa không? Hoặc sẽ có những điều chỉnh gì để làm rõ nghĩa chức danh KH?

Ông đề nghị, ở phương án 2, cần quy định bổ sung thêm câu “Cá nhân hoạt động KH-CN có chức danh KH được quy định tại Điều 19” vì nếu không có câu này thì giữ Điều 19 là sai về logic hình thức.

Dự thảo Luật KH-CN lần này có quá nhiều điểm giao quyền cho Chính phủ và Bộ trưởng, ông đã làm thử bài tính: Toàn dự thảo có 83 điều thì có đến 15 điều giao “Chính phủ quy định cụ thể việc này”, như vậy, các điều chưa hoàn chỉnh chiếm đến 18%, nếu trừ đi 7 điều của quy định và 2 điều của điều khoản thi hành thì tỷ lệ này chiếm hơn 20%.

Ông đề nghị Ban soạn thảo luật nên rà soát, đối chiếu để ghi rõ tên điều, tên luật đang áp dụng. Không nên ghi là “theo văn bản pháp luật khác có liên quan” vì điều này thể hiện tính trách nhiệm nghiên cứu cặn kẽ của Ban Thư ký soạn thảo và cũng không nên nêu ra hàng loạt các quy định và chốt lại một ý (để đề phòng) là “Bộ KH-CN quy định cụ thể khoản này”.

Tham gia góp ý hội thảo, ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình về phương thức giao nhiệm vụ KH-CN là đấu thầu (Điều 28, khoản 1) vì các đề tài trước nay chỉ tuyển chọn ra hồ sơ tốt nhất (theo yêu cầu) và cần phải đóng góp rất nhiều nội dung, phương thức... mà KH-CN thì đòi hỏi phải mang tính sáng tạo.

Đối với ý kiến bổ sung của một số đại biểu là “cần nghiệm thu và ứng dụng các đề tài KH-CN” (Điều 30), theo ông: “làm như vậy là hơi cứng nhắc vì có những đề tài nghiên cứu chỉ mang tính nâng cao kiến thức, hoặc khuyến cáo không nên sử dụng…”.

Ông cho rằng, dự thảo luật lần này chưa mang tính chuẩn xác, khó đóng góp vì có khá nhiều chi tiết thừa và thiếu. Có nhiều từ ngữ dùng chưa thích hợp như: “đẩy mạnh, khuyến khích, tập trung, tăng cường…” cần phải loại ra khỏi văn bản luật (vì mang tính hô hào). Ngoài ra, còn khá nhiều từ “theo quy định của pháp luật”, mà theo ông “phải nêu rõ là luật nào?”

Điều 5, khoản 2, ông nhận định, cụm từ “tự chủ” trong nguyên tắc hoạt động KH-CN là không đúng vì trước khi làm, cần phải xin ý kiến của cấp trên theo quy định.

Ở mục 3, Điều 33, 34, 37, ông cho rằng “việc phân loại hợp đồng, nội dung hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng thì người làm hợp đồng ắt phải hiểu, không cần thiết phải đưa vào văn bản luật”.

Theo ông, văn bản luật này cần phải nêu rõ trách nhiệm của Quốc hội vì đây là sản phẩm “con đẻ” của Quốc hội.

Đối với Điều 23, phương án 1, khoản 1, điểm d về sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài KH và CN “Được miễn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do rủi ro trong quá trình nghiên cứu KH và phát triển CN gây ra”, ông bày tỏ lo lắng và đề nghị nên bỏ điều này vì khi nghiên cứu phải biết trước mức độ nguy hiểm và tránh những rủi ro xảy ra.

Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long cho rằng sẽ tiếp tục ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, sẽ chắt lọc những ý kiến xác đáng và tổng hợp chuyển về Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI