Trình Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Dự kiến dành 3 tháng để nhân dân đóng góp ý kiến

Cập nhật, 06:51, Thứ Ba, 30/10/2012 (GMT+7)


Theo dự thảo Hiến pháp sửa đổi, HĐND, đại biểu HĐND các cấp được tăng nhiều quyền hạn hơn.

Sáng hôm qua 29/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đọc Tờ trình Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Phan Trung Lý nêu rõ, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung và lấy ý kiến nhân dân có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Một số vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau là về: Cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp; thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh; việc bầu thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; thẩm quyền phong hàm sĩ quan cấp cao của Chủ tịch nước; phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; địa vị pháp lý của HĐND; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp...

Theo dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương; lấy ý kiến về toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. Ủy ban đề nghị Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

PV (theo TTXVN)