Sửa đổi Hiến pháp là cần thiết và đặc biệt quan trọng

Cập nhật, 07:28, Thứ Năm, 20/09/2012 (GMT+7)

Thông báo hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XI nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và là công việc đặc biệt quan trọng...

Tại Hội nghị báo cáo viên tỉnh Vĩnh Long vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phân tích, chỉ rõ việc tại sao phải sửa đổi Hiếp pháp và những định hướng trong đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.


Chúng em vẽ hình rồng đất nước.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là cần thiết và đặc biệt quan trọng

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới; là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị- pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta. Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng thể hiện tập trung ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua (tháng 6/1991), tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (có bổ sung, sửa đổi năm 2001), Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có nhiều vấn đề mới được đặt ra, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.

Những định hướng sửa đổi

Khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã dựa vào rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đồng thời, kế thừa kết quả tổng kết 25 năm đổi mới, kết quả tổng kết và thi hành Hiến pháp 1992, các văn kiện của Trung ương Đảng, các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến Hiến pháp, kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, để trên cơ sở đó, chắt lọc, tập trung vào 9 định hướng cơ bản để sửa đổi, gồm:

1. Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;

2. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước;

3. Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội;

4. Tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân;

5. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;

6. Tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

7. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xác định rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;

8. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;

9. Bảo đảm tính hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.

Đồng chí Trần Văn Thành- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã nêu lên một số vấn đề cụ thể cần sửa đổi, bổ sung của Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp để công bố lấy ý kiến nhân dân. Quy trình sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân (trong quý I/2013), sau đó, tổng hợp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến, gửi về Ủy ban dự thảo Hiến pháp tiếp thu, chỉnh sửa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM