Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2012)

Báo chí là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ

Cập nhật, 07:15, Thứ Năm, 21/06/2012 (GMT+7)


Phóng viên báo chí tác nghiệp.   ( Ảnh: TRẦN HẢI )

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) năm nay đem lại cho những người làm báo chúng ta nhiều cảm nghĩ. Toàn cảnh báo chí nước ta đang hiện lên như một bức tranh sống động, lung linh nhiều sắc mầu, nhiều dáng vẻ, tươi sáng có, mà không sáng tươi cũng có. Tác giả tập thể của bức tranh ấy là toàn xã hội ta, trong đó, trực tiếp sáng tạo nên là đội ngũ những người làm báo, những người lãnh đạo và quản lý báo chí thuộc nhiều thế hệ, trước đây và hiện nay.

Có thể nói mà không sợ quá lời rằng, báo chí nước ta, trong nhiều năm qua đã phát triển khá nhanh, đặc biệt nhanh trong thời kỳ đổi mới. Lực lượng báo chí ngày nay bao gồm không chỉ báo chí in, báo nói, báo hình là những loại hình báo chí truyền thống mà còn có cả báo điện tử và các trang điện tử, ra đời muộn nhưng phát triển cực nhanh và có sức phổ biến rộng. Xuất hiện ngày càng nhiều những cơ quan truyền thông đa chức năng, đa phương tiện. Tất cả tạo nên một diện mạo báo chí to lớn, mới mẻ, đa dạng. Ðội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp ngày càng đông đảo, có tới hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Báo chí được đánh giá là lĩnh vực hoạt động có hiệu quả thiết thực, vừa là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị, xã hội vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; thông tin nhanh nhạy và toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; cổ vũ, động viên và tổ chức các phong trào hành động cách mạng, nêu gương những điển hình tiên tiến, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống âm mưu và các thủ đoạn "diễn biến hòa bình".

Những người làm báo chúng ta có quyền vui mừng và tự hào về những gì đã làm được. Nhưng chúng ta cũng hiểu rõ, những gì chưa làm được, những yếu kém và khuyết điểm vẫn còn rất lớn. Nổi lên hàng đầu vẫn là những hạn chế về chất lượng chính trị, chất lượng tư tưởng và văn hóa của báo chí. Tính chân thật, tính chiến đấu, tính giáo dục, thuyết phục chậm được nâng cao. Ðáng nói hơn nữa là những khuyết điểm có tính nghiêm trọng, kéo dài trong lĩnh vực thông tin.

Một số tờ báo đã thông tin không đúng tôn chỉ mục đích, không đúng đối tượng phục vụ của mình; thiếu bản lĩnh và trách nhiệm khi thông tin những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân, thậm chí có những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc và bôi nhọ chúng ta. Về cá nhân, có một số người làm báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để trục lợi, không những vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn dẫn tới vi phạm pháp luật của Nhà nước. Thật là, con sâu làm rầu nồi canh!

Vấn đề đặt ra cho báo chí chúng ta là phải làm gì và làm như thế nào để phát huy được những tiến bộ và thành tựu, khắc phục được những thiếu sót và yếu kém, vượt qua được những khó khăn và thách thức đang đối mặt?

Phương hướng chung đã được Ðại hội XI của Ðảng chỉ rõ: Tiếp tục phát triển hệ thống thông tin đại chúng! Có bốn loại việc cần làm: Một là, chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Hai là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt nhu cầu của thời kỳ mới. Ba là, rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại. Bốn là, phát triển và mở rộng việc sử dụng in-tơ-nét, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng in-tơ-nét để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh.

Hơn một năm qua, hoạt động báo chí nói chung và hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí đã theo đúng phương hướng ấy. Tuy nhiên bức tranh toàn cảnh báo chí được phác họa đôi nét như trên cho thấy quả là còn rất nhiều việc phải làm.

Còn có sự băn khoăn và nhiều câu hỏi đặt ra trong đội ngũ những người làm báo. Có gì mâu thuẫn không khi những cơ quan báo chí lớn, nghiêm chỉnh thực hiện tôn chỉ, mục đích và định hướng thông tin lại thường mắc phải bệnh khô khan, hình thức, thiếu tính hấp dẫn, còn những tờ báo năng nổ tìm kiếm sự hấp dẫn, chiều lòng độc giả thì lại hay xa rời tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị? Có gì quá nghiêm khắc không khi đòi hỏi báo chí phải thông tin kịp thời, nhanh nhạy nhưng lại không cho phép có sai sót bởi những thông tin chưa được kiểm chứng? Có gì không thấu tình khi khuyến khích báo chí làm chức năng phản biện xã hội nhưng mỗi khi nói trái một chút chủ trương, chính sách thì lập tức bị "thổi còi"? Có gì hợp lý không khi những tờ báo được cơ quan chủ quản "bao cấp" hay trợ cấp kinh phí thì ổn định được lượng phát hành, còn những tờ báo tự cân đối về tài chính, tự làm kinh tế báo thì hay gặp lao đao khi tình hình biến động? Có gì khác nhau giữa xu hướng "thương mại hóa" và việc mở rộng hoạt động kinh tế báo thông qua việc chạy quảng cáo, chạy tài trợ của các doanh nghiệp để rồi bị chi phối bởi người tài trợ? Có gì đáng lưu tâm khi đội ngũ những người làm báo ngày càng đông, người được đào tạo qua các trường báo chí ngày càng nhiều, nhưng những tài năng báo chí thì không được tăng lên tương ứng? Có gì đáng lo không khi báo chí in ngày càng sụt giảm, còn báo chí mạng thì phát triển không ngừng mà lại rất khó quản lý, khó hạn chế mặt tiêu cực?

Nói cho công bằng, những băn khoăn nêu trên đã từng được nhiều lần giải đáp và nay, chắc chắn sẽ được tiếp tục giải đáp một cách thấu tình đạt lý. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi thăm và làm việc với Báo Nhân Dân mới đây, tuyên truyền về chính trị một cách có nghệ thuật, bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên, bằng tình cảm của người đọc, thì sao có thể nói là khô khan? Phải hiểu đúng thế nào là hấp dẫn, cái gì làm nên tính hấp dẫn của báo Ðảng, đó là nói sự thật một cách truyền cảm chứ không phải nói ngược, nói trái, chỉ nói cái tiêu cực mới là hấp dẫn.

Ngày Báo chí Cách mạng năm nay nhắn nhủ mọi người làm báo chúng ta nhớ lại lời dạy của Bác Hồ năm xưa: Báo chí là mặt trận. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.

Mặt trận báo chí là bộ phận hữu cơ của mặt trận tư tưởng và văn hóa của Ðảng - Mà mặt trận tư tưởng và văn hóa lại là một trong những mặt trận ở hàng phía trước, đi tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tư cách là chiến sĩ, đội ngũ những người làm báo chúng ta hãy lấy cây bút và trang giấy, chiếc máy tính và trang mạng làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới báo chí, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Theo NDĐT