Chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có tài xế và phương tiện gây tai nạn giao thông bị xử lý ra sao?

Cập nhật, 11:35, Thứ Tư, 18/11/2020 (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó có không ít vụ do tài xế, phương tiện của các công ty kinh doanh vận tải gây ra. Như vậy, theo quy định hiện hành, chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

Lê Văn Hoàng

(TP Vĩnh Long)

Trà lời:

Căn cứ Điều 601 của Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tùy từng trường hợp cụ thể, chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

PHÒNG BẠN ĐỌC