Trợ cấp xã hội và việc làm đối với người khuyết tật

Cập nhật, 05:16, Thứ Tư, 02/10/2019 (GMT+7)

Hiện em tôi đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ không đủ trang trải cuộc sống nên em tôi đã đi làm và có thỏa thuận hợp đồng lao động, đóng BHXH với nơi làm việc. Xin hỏi, khi em tôi đi làm thì có bị cắt khoản trợ cấp trên không? Pháp luật quy định về việc làm đối với người khuyết tật như thế nào?

Phạm Phúc Điền (Long Hồ)

Trả lời: Khoản 1 Điều 44 của Luật Người khuyết tật quy định về đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của luật này) và người khuyết tật nặng.

Như vậy, việc hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật không có quy định rằng buộc liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, Nhà nước luôn khuyến khích người khuyết tật được lao động để hòa nhập với cộng đồng, cải thiện cuộc sống và giảm gánh nặng đối với gia đình.

Việc đóng BHXH không những không ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp xã hội mà còn hỗ trợ cho cuộc sống của em bạn về sau.

Về việc làm cho người khuyết tật, Nhà nước luôn tạo điều kiện để người khuyết tật có việc làm, phục hồi chức năng lao động.

Người khuyết tật được làm công việc phù hợp với sức khỏe, đặc điểm của họ. Đối với người sử dụng lao động không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật đủ tiêu chuẩn hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

Khi sử dụng lao động là người khuyết tật phải bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm môi trường làm việc phù hợp và phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với người khuyết tật.

Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho họ được vay vốn với lãi suất ưu đãi và được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

PHÒNG BẠN ĐỌC