Không cấp dưỡng nuôi con, bị xử lý thế nào?

Cập nhật, 08:10, Thứ Năm, 10/10/2019 (GMT+7)

Theo bản án, thì chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hàng tháng, nhưng đã 4 tháng rồi chồng tôi không thực hiện cấp dưỡng, mặc dù kinh tế của anh rất tốt. Xin hỏi, người trốn cấp dưỡng nuôi con sẽ bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Cẩm Hồng

(Vũng Liêm)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc chồng bạn trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đã là hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân về gia đình.
Điều 54 Nghị định số 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000đ đối với cá nhân có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn.

Mặt khác, hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn của cha, mẹ nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

PHÒNG BẠN ĐỌC