Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố giác tội phạm

Cập nhật, 15:51, Thứ Sáu, 01/03/2019 (GMT+7)

Bà Lâm Hà Giang và ông Trần Quốc Hùng (ngụ số 182 A, ấp Tân Quới Đông, xã Trường An, TP Vĩnh Long) tố cáo về những hành vi lừa đảo, khai man mất giấy tờ tùy thân của bà Trần Thị Thu H. (ngụ xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long). Cụ thể sự việc như sau:

Ngày 19/10/2017, tôi có cho bà H. mượn 5 triệu đồng và đổi lại bà đã đưa cho tôi các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ liệt sĩ, giấy đăng ký xe của bà để làm tin, với giao hẹn nếu bà không thực hiện trả tiền theo thỏa thuận thì 2 bên tự giải quyết, sẽ đưa xe và giao nhà đang ở cho tôi mà không cần sự can thiệp của pháp luật. Nhưng đến nay, bà H. đã không trả tiền cho tôi cũng không thực hiện như lời hứa. Được biết, ngoài việc mượn tiền của tôi thì ở địa phương nơi bà cư trú, bà cũng đã mượn của nhiều người và cũng đã không trả.

Ngoài ra, tôi còn biết bà H. còn lừa gạt nhiều người, hứa sẽ lo cho những việc như vi phạm giao thông, xe bị tạm giữ, bà H. hứa sẽ lo để được lãnh xe ra…

Còn việc bà bị mất giấy tờ tùy thân, theo tôi được biết, người dân đi bất cứ tỉnh nào nếu bị mất giấy tờ đều phải cớ mất để làm lại, còn đối với bà H. thì không cần và được chính quyền cấp lại. Như vậy có phải bà đã lừa đảo chính quyền địa phương và xem thường pháp luật?

Qua sự việc trên, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý về những hành vi lừa đảo của bà H.

Sau khi nhận được đơn của ông bà, chúng tôi nhận thấy rằng ông bà chưa gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng muốn được giải quyết sự việc như đã phản ánh thì nên gửi đơn đến cơ quan chức năng.

Sau đây, chúng tôi xin hướng dẫn việc cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn cho ông bà.

Theo Điều 3 Luật Tố cáo năm 2018 quy định, tố cáo và giải quyết tố cáo được áp dụng theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp luật khác có quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của luật đó.

Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Như vậy, ông bà có thể thực hiện việc tố giác người này đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao…

Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt…

Như vậy, căn cứ các quy định trên thì ông bà có thể gửi đơn tố giác hoặc trực tiếp đến cơ quan điều tra; viện kiểm sát; tòa án hoặc cơ quan khác nơi người có hành vi vi phạm cư trú để tố giác về hành vi lừa đảo này.

PHÒNG BẠN ĐỌC