Thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chết?

Cập nhật, 15:36, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

Trường hợp người phải thi hành án (THA) dân sự chết, nhưng người này không có di sản. Vậy, trường hợp này thì vợ, con của người phải THA có trách nhiệm phải THA không?

Nguyễn Ngọc Dung

(Mang Thít)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật THA dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự phải ra quyết định đình chỉ THA trong trường hợp sau: Người phải THA chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế.

Người được THA chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

Đương sự có sự thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THA dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

Bản án quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của luật này;

Người phải THA là tổ chức đã bị giải thể không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác; có quyết định miễn nghĩa vụ THA; tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải THA;

Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên.

Như vậy, căn cứ quy định trên nếu người phải THA chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế thì phải đình chỉ THA.

PHÒNG BẠN ĐỌC