Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

Cập nhật, 16:55, Thứ Tư, 10/01/2018 (GMT+7)

Ông Lê Thanh Hoàng (cư ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) hỏi: Tôi làm việc cho một công ty và có tham gia BHXH, do có công việc riêng nên tôi xin nghỉ việc. Từ khi có quyết định nghỉ việc cho đến nay đã hơn 3 tháng mà tôi vẫn chưa nhận được sổ BHXH.

Xin hỏi, như vậy đúng hay sai, nếu công ty tiếp tục kéo dài như vậy thì tôi phải liên hệ đến cơ quan nào để khiếu nại?

Sau khi nhận được thư, chúng tôi đã liên hệ với Phòng Lao động- Tiền lương- BHXH (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) và được trả lời như sau:

Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Ít nhất 15 ngày trước ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, 2 bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động giữ lại của người lao động.

Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và HĐLĐ đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Như vậy, theo quy định trên thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. Trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Về cơ quan giải quyết khiếu nại, Điều 200 Bộ luật Lao động 2012 quy định cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân.

Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012 quy định trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động.

Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, về BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Căn cứ quy định trên, tranh chấp lao động về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH thì Tòa án nhân dân giải quyết.

PHÒNG BẠN ĐỌC