Cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của tòa án

Cập nhật, 05:48, Thứ Năm, 29/06/2017 (GMT+7)

Bà M.N. ngụ TP Vĩnh Long hỏi: Tôi và chồng tôi ly hôn năm 2008, nhưng lúc đó buồn quá tôi không đến lấy quyết định ly hôn của Tòa án tỉnh Vĩnh Long. Nay tôi lập di chúc cho con nhưng thủ tục yêu cầu phải có quyết định ly hôn. Vậy tôi phải làm thế nào để có quyết định này?

Sau khi nhận được thư bà, chúng tôi đã liên hệ với Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long và được trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 thì đương sự trong vụ việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về quyền của đương sự trong vụ, việc dân sự tại khoản 21 Điều 70 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định đương sự được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của tòa án.

Theo quy định tại Điều 170 và 171 Bộ luật TTDS năm 2015 thì tòa án có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của bộ luật này và pháp luật có liên quan. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo trong đó có bản án, quyết định của tòa án.

Về cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án sơ thẩm, khoản 1 và khoản 2 Điều 269 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định:

Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được tòa án cấp trích lục bản án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và viện kiểm sát cùng cấp.

Về gửi bản án, quyết định phúc thẩm, khoản 1 Điều 315 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Trường hợp tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.

Về lệ phí tòa án, theo khoản 4 Điều 143 và Điều 150 Bộ luật TTDS năm 2015 thì lệ phí tòa án có nhiều loại trong đó có lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của tòa án. Mức lệ phí này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 4 và khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì lệ phí cấp bản sao bản án, sao chụp tài liệu tại tòa án, bao gồm: Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của tòa án. Mức lệ phí tòa án được quy định tại danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo nghị quyết này.

Tại khoản 9 Mục II phần B Danh mục lệ phí tòa án, ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại tòa án là 1.500 đ/trang A4.

Như vậy, nếu đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự thì sau khi xét xử sơ thẩm trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm gửi bản án, quyết định cho đương sự trong vụ án, nếu đương sự trong vụ án dân sự có kháng cáo thì sau khi xét xử phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định cho đương sự trong vụ án.

Lưu ý là tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm cấp bản án, quyết định lần đầu cho các đương sự trong vụ án thì tòa án không thu lệ phí, trường hợp nếu đã nhận được bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm mà đương sự có nhu cầu xin cấp lại từ lần thứ hai trở đi thì đương sự phải làm đơn nộp tại tòa án đã xử sơ thẩm, phúc thẩm để xin cấp lại và từ lần thứ hai trở đi khi tòa án cấp cho đương sự bản sao bản án, quyết định thì đương sự phải có nghĩa vụ nộp lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định với mỗi trang giấy A4 là 1.500đ.

PHÒNG BẠN ĐỌC