Có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Cập nhật, 14:50, Thứ Năm, 09/03/2017 (GMT+7)

Tôi làm việc ở công ty gần 10 năm, vì điều kiện gia đình nên tôi muốn chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Xin cho biết, tôi có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không và có được giải quyết chế độ gì không?

Lê Thị Thu Hiền

(Tam Bình)

Trả lời:

Bạn có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với người sử dụng lao động theo khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bạn phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật Lao động năm 2012.

Với khoảng thời gian mà bạn không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì công ty sẽ có trách nhiệm trả tiền trợ cấp thôi việc cho bạn theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động.

Thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc được công ty chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc. Cứ mỗi năm được nửa tháng tiền lương.

Còn thời gian tham gia BHTN, sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013.

Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng việc làm theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

PHÒNG BẠN ĐỌC