Đừng ngại bày tỏ thiện ý

Cập nhật, 14:46, Thứ Tư, 15/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Tục ngữ có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tình nghĩa xóm làng luôn được xem trọng trong cộng đồng người Việt Nam. Ấy vậy mà đôi khi trong cuộc sống cũng xảy ra lắm điều bất như ý. Khi ấy, nếu không biết nhẫn nhịn, đợi dịp bày tỏ thiện ý thì chuyện bé xé ra to, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc không lường trước được.

Khi tôi còn đi học thì gia đình tôi và gia đình chú Phước sát vách có mâu thuẫn. Vợ chồng chú và mẹ tôi cứ mãi hầm hè với nhau.

Cha tôi khuyên mẹ tôi bớt lời. Mẹ vâng lời cha nhưng khi cha đi làm rồi thì mẹ không nín nhịn được khi nghe lời nói “khó nghe” của thím Phước.

Cha tôi chưa bao giờ mua quà bánh cho anh em tôi. Vậy mà bỗng nhiên cuối mỗi ngày đi làm về nhà, cha đều mua quà. Khi cho quà anh em tôi, cha không quên phần cho các con chú Phước. Thím Phước thấy được, bảo con: “Đem trả lại cho bác ấy! Muốn ăn mẹ mua cho ăn”.

Cha tôi nhỏ nhẹ: “Có gì đâu chị. Đi làm về có chút quà cho các cháu. Chị đừng rầy cháu kẻo tội”. Gần một tháng như thế thì chú Phước đến nhà tôi, mời: “Hôm nay nhà có chút việc. Vợ chồng tôi mời anh chị qua nhà uống chén rượu”. Chú cười, tiếp: “Lâu quá anh em mình chưa ngồi với nhau nhỉ”.

Vì nhà sát vách nên tôi nghe được lời chú Phước: “... Cảm ơn anh Hai là người hiểu biết bỏ quá cho vợ chồng tôi thời gian qua.

Những tấm quà anh cho cháu thật chưa là bao nhưng tấm lòng anh gửi qua đó rất nặng. Tôi rất xúc động... Thôi thì hai bà chủ nên vui vẻ với nhau để anh em tôi còn có dịp qua lại...”.

Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi những việc xảy ra năm ấy. Nhớ lời cha dạy: “Không cha mẹ nào ghét được người biểu lộ tình thương với con mình” và sống theo cách sống của cha, tôi đã giữ được hòa khí với mọi người và được khen là người biết hiểu lẽ phải trái ở đời.

PHỤNG TÚ